+ HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI – 05.6.2024
1. Ngày Môi Trường Thế Giới – 05.6
Vào ngày 5 và 6 tháng 6 năm 1972, Hội nghị Liên Hợp Quốc về con người và môi trường đã diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển, với sự tham gia của đại diện từ 113 quốc gia; trong cuộc họp này, Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chính thức được thành lập.
Đồng thời, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 5 tháng 6 làm Ngày Môi Trường Thế Giới (World Environment Day), nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường trên toàn cầu.
2. Chủ đề Ngày Môi Trường Thế Giới - 05/6/2024
Chủ đề Ngày Môi Trường Thế Giới 05 tháng 6 năm 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”.
Theo Công Ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập Kỷ Phục Hồi Hệ Sinh Thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
3. Khẩu hiệu Ngày Môi Trường Thế Giới - 05.6.2024
* Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Môi Trường Thế Giới năm 2024 như sau:
+ Khẩu hiệu 1. Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán.
+ Khẩu hiệu 2. Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái.
+ Khẩu hiệu 3. Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Khẩu hiệu 4. Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu.
+ Khẩu hiệu 5. Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững.
+ Khẩu hiệu 6. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
4. Thông điệp dành cho Ngày Môi Trường Thế Giới 05.6.2024:
Generation Restoration
Đất là sự sống. Đó là mặt đất nơi chúng ta đứng và đất nuôi sống chúng ta. Nhưng đất đai của chúng ta đang xuống cấp do hoạt động tiêu thụ, sản xuất nông nghiệp không bền vững và các vấn đề ô nhiễm. Suy thoái đất ảnh hưởng tiêu cực đến 3,2 tỷ người. Dù vậy, đất vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể khôi phục nó bằng cách trồng cây và trồng đa dạng hơn. Chúng ta có thể tránh sử dụng các chất ô nhiễm và hồi sinh nguồn nước.
5. Hoạt động hưởng ứng Ngày Môi Trường Thế Giới 05.6.2024
Bằng những hành động cụ thể và thiết thực này, Công ty Cổ phần LDT không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường đến toàn thể nhân viên và cộng đồng xung quanh. Đây là một minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc phát triển bền vững và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta
6. Các nguyên tắc bảo vệ môi trường
* Tại Điều 4 Luật bảo vệ môi trường 2020 có quy định nguyên tắc bảo vệ môi trường là:
- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
7. Vương Quốc Ả Rập Xê Út là quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Môi Trường Thế Giới 2024
Vào 05/06/2024, Vương Quốc Ả Rập Xê Út sẽ là quốc gia chủ trì tổ chức Ngày Môi Trường Thế Giới năm 2024, với chủ đề tập trung vào phục hồi đất đai, sa mạc hóa và chống hạn hán.
Năm 2024 sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công Ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa. Phiên họp thứ mười sáu của Hội Nghị Các Bên (COP 16) của Công Ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) sẽ được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Vương Quốc Ả Rập Xê Út, từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 12 năm 2024.
Năm 2024 cũng sẽ là năm tất cả mọi người trên thế giới đồng hành cùng nhau sau Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 để thúc đẩy tăng trưởng, bền vững và toàn diện. Với các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDG) được đẩy nhanh tiến độ để một tương lai Xanh - Bền - Vững.
8.Tại sao Phục Hồi Đất được chọn làm chủ đề cho Ngày Môi Trường Thế Giới năm 2024?
Trải qua hàng triệu triệu năm trước khi có sự sống xuất hiện, vòng lặp "đại tuần hoàn địa chất" là quá trình phong hóa để tạo thành mẫu chất. Từ khi Trái Đất xuất hiện sự sống thì vòng "tiểu tuần hoàn sinh học" ở quy mô nhỏ kết hợp với quá trình phong hóa mà hình thành đất mới, tạo những nhân tố cơ bản cho độ phì nhiêu cũng như dinh dưỡng trong đất.
- Sự liên kết giữa hai vòng tuần hoàn là sự thống nhất tạo nên bản chất của quá trình hình thành đất.
Theo Công Ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Số lượng các đợt và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 - nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Phục hồi đất là trụ cột chính trong Thập Kỷ về Phục Hồi Hệ Sinh Thái của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2030, một lời kêu gọi tập hợp để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái trên toàn thế giới, điều này rất quan trọng để đạt được các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững.
Chúng ta rất cần những hành động như vậy khi thế giới đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của 3 cuộc khủng hoảng cấp hành tinh: khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng về thiên nhiên và mất đa dạng sinh học cũng như khủng hoảng ô nhiễm và lãng phí. Cuộc khủng hoảng này đang khiến hệ sinh thái thế giới bị tấn công. Hàng tỷ ha đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số thế giới và đe dọa một nửa GDP toàn cầu. Cộng đồng nông thôn, nông dân sản xuất nhỏ và người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng việc phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa. Mỗi đô la đầu tư vào việc phục hồi có thể mang lại tới 30 đôla Mỹ cho sự phát triển hệ sinh thái. Phục hồi thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo và tăng khả năng phục hồi đất trước thời tiết khắc nghiệt. Phục hồi đất làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng.
Chúng ta có thể hi vọng khi các nước đã cam kết sẽ khôi phục 1 tỷ ha, diện tích lớn hơn cả Trung Quốc. Thông qua Ngày Môi Trường Thế Giới và thông qua việc đăng cai tổ chức Hội Nghị của Các Bên về Công Ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa vào tháng 12 này, Vương Quốc Ả Rập Xê Út có thể tạo động lực và hành động hướng tới các mục tiêu phục hồi này cùng các quốc gia trên thế giới.
================================
+ VIDEO BẢO VỆ MỘI TRƯỜNG
https://youtu.be/Rk7F7PboYqw?si=gv3hwUurnQ76BPHJ
NGUỒN: * baovemoitruong.org.vn
* moitruongachau.com
* thuvienphapluat.vn