CẦU NGUYỆN CHO MÔI TRƯỜNG
Quý Độc Giả kính mến,
Ngày 13 tháng 3, năm 2015 vừa qua được Tổng Giáo Phận Sài Gòn chọn làm “Ngày Ăn Chay, Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Môi Trường”, với văn thư do Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Bùi Văn Đọc ấn ký.
[1]
Phần mở đầu của bức thư cho biết 2 lý do của “Ngày Giữ Chay—Cầu Nguyện”: một là, để hưởng ứng quan tâm mục vụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nối kết việc bảo vệ môi trường thiên nhiên với việc bảo vệ cuộc sống con người; hai là, để tham gia vào hoạt động của “Phong trào Công Giáo Thế Giới Về Khí Hậu.” Phần đề nghị cụ thể chỉ ra 2 việc: thứ nhứt, dành ngày thứ sáu 13 tháng 3 để ăn chay và cầu nguyện cho môi trường, dành khoản tiết kiệm từ chi tiêu vui chơi, ăn uống để đóng góp vào việc học tập, cổ động cho công cuộc bảo vệ môi trường; thứ hai, thực hiện một chương trình tập huấn về gìn giữ môi trường.
Giữ chay, cầu nguyện, và làm công tác bác ái, vốn là những sinh hoạt truyền thống của Ki-tô hữu, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh. Tuy nhiên, thông thường Hội Thánh khuyên các tín hữu thi hành các việc đạo đức ấy là để cầu nguyện cho ơn được hoán cải, từ bỏ tội lỗi mà quay về với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón mừng Đại Lễ Phục Sinh.
Lần nầy mọi người có đạo lại được khuyên bảo phải ăn chay, cầu nguyện và làm từ thiện để xin ơn bảo vệ môi trường. Chưa hiểu hết lý do vì sao có cái gì đó khác thường, nếu không dám nói là lạc điệu, trong lời kêu gọi nêu trên, thì liên tục hai sự kiện gây sốt trong đồng bào cả nước hình như đã giúp đàn chiên giải mã phần nào hàm ý mang tính ngôn sứ thời đại của bức thư mục tử giáo phận: đó là vụ “đốn hạ 6700 cây xanh” ngoài Bắc[2] và vụ “lấp sông Đồng Nai” trong Nam.[3]
Đã có rất nhiều tranh cãi về nguyên nhân nào người ta thản nhiên cắt đi “lá phổi’ của mình và hất đổ “bình nước” sống còn của cả một quần thể sinh thực vật rộng lớn. Đàng sau và ẩn khuất bên dưới mọi lý lẽ biện minh, chống đỡ cho hành động tự hủy hoại đó chính là điều Thánh Tông Đồ Gia-cô-bê vạch trần:
Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau.[4]
Mọi hình thái khuyết tật, bịnh hoạn của cá nhân hay xã hội con người, theo cái nhìn của Thánh Kinh, đều là hệ lụy xấu ác của tội lỗi. Hành động con người điên cuồng tàn phá môi trường sinh sống của chính mình chẳng khác gì việc tự sát của kẻ bị Tà Thần ám nhập. Mọi biện pháp áp đặt từ bên ngoài chỉ như thuốc giảm đau. Muốn được chữa trị tận căn, con người phải được giải thoát trước tiên khỏi thế lực của Ác Tà. Chúa Ki-tô bao giờ cũng trừ khử ảnh hưởng của tội lỗi trước khi cứu chữa các bịnh nhân.[5] Mà “giống quỷ ấy chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới trừ được thôi.”[6]
Tập San số 17 xin hân hạnh giới thiệu cùng Quý Vị Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh và suy tư của các tác giả về môi trường sống của con người, trong mối tương quan với Tình Thương Vạn Năng của Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng đã ủy thác cho con người nhiệm vụ canh tác và bảo vệ trái đất nầy.[7]
Ban Biên Tập
BÌNH LUẬN CHƯƠNG 10 (BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG)
SÁCH TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI
LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP
Nhập đề. Sự tiến triển về nội dung. Các từ ngữ: nature, creation, monde/world
I. Lịch sử
A. Vấn đề môi sinh
B. Tiếng nói của GHXH
II. Những vấn đề luân lý
A. Tương quan giữa con người với thiên nhiên: 1/ Nguyên tắc căn bản. 2/ Thiên nhiên với Thiên Chúa. 3/ Thiên nhiên và nhân loại
B. Khoa học kỹ thuật và việc tôn trọng môi trường
C. Vài vấn đề cụ thể: 1/ Kỹ thuật sinh học 2/ Đất đai và kỹ nghệ. 3/ Nước
III. Những vấn đề tín lý
A. Tạo dựng. 1/ Đạo thiên nhiên. 2/ Thiên Chúa tạo thành. 3/ Ngẫu tượng mới: sùng bái thiên nhiên
B. Tận thế hay tái tạo dựng?
Kết luận. Từ luân lý đến linh đạo
Nhập đề
Ba chương 9, 10 và 11 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội (TLHT) bàn về đời sống quốc tế.
A. Sự tiến triển về nội dung
Chúng ta nhận thấy việc nghiên cứu cộng đồng xã hội dần dần được mở rộng tầm mức: từ gia đình, ra đến xã hội ở cấp quốc gia (với những vấn đề tư bản, lao động, xã hội dân sự, nhà nước), rồi hướng đến thế giới (cộng đồng quốc tế). So với chương vừa rồi, ta thấy có sự khác biệt (tương tự như là giữa “nhà nước” và “xã hội dân sự” trước đây): chương 9 nói đến cộng đồng quốc tế theo nghĩa pháp lý, với các tổ chức, các thể chế giữa các quốc gia; chương 10 bàn đến cộng đồng nhân loại, trong đó, ngoài các quốc gia, các tổ chức, còn có các công ty quốc tế, các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật. Hơn thế nữa, chương này nói đến tương quan giữa con người với thế giới, gồm cả các động vật và thực vật.
Dưới một khía cạnh khác, chúng ta cũng có thể nói đến một sự tiến triển về các thế hệ nhân quyền: từ các quyền tự do cá nhân (tương quan giữa cá nhân và xã hội), sang các quyền chính trị kinh tế (sự tham dự vào đời sống xã hội); với chương vừa rồi, chúng ta bước sang quyền của các dân tộc (quyền tự trị, quyền bảo vệ căn tính), và lần này chúng ta đến quyền của nhân loại (bảo vệ môi sinh, cần thiết cho sự sống cho toàn thể nhân loại, thuộc thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai). Cách riêng, chương 10 đề cập đến “quyền được hưởng môi trường lành mạnh và an toàn” (số 468), cũng như chương 9 đã đề cập đến “quyền được phát triển” (số 446).
Xét về lịch sử Giáo huấn xã hội, chúng ta cũng nhận thấy nhiều sự tiến triển. Những thông điệp của đức Lêô XIII vào cuối thế kỷ XIX chú ý đến tư sản và lao động (trong một quốc gia); sang thế kỷ XX, các giáo hoàng bàn thêm những vấn đề quốc gia và dân tộc, rồi đến hòa bình trên thế giới và sự phát triển các dân tộc. Các sự can thiệp vào vấn đề môi sinh thì muộn hơn, nói được là sau công đồng Vaticanô II.
Tuy xem ra ngắn ngủi, nhưng chương 10 đụng đến những vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến “xã hội loài người” nhưng còn liên quan đến tôn giáo và đức tin. Chúng ta có thể nêu lên hai vấn đề chính như sau:
1/ Khoa học và kỹ thuật có buộc phải tuân theo một quy tắc luân lý nào không? Câu trả lời của GHXH là: CÓ! Câu trả lời này cũng giống như trong các lãnh vực kinh tế, chính trị (quốc nội hay quốc tế) mà chúng ta đã làm quen trong những chương trước. Giáo hội lên tiếng để can thiệp vào những vấn đề mang tính cách luân lý. Nói cho cùng, luân lý không phải là những quy tắc cứng nhắc, nhưng là những suy tư lý trí về cái gì là “đúng”, là “hợp lý” trong cách cư xử.
2/ Phải chăng Kitô giáo là nguyên nhân của sự tàn phá môi sinh? Đây là lời tố cáo của các Đảng Xanh (Green party) cũng như của vài nhóm Phật giáo. Theo họ, đầu mối của sự tàn phá môi sinh là lời truyền của Kinh thánh: “hãy thống trị trái đất”.
Câu trả lời là: Kinh thánh chỉ cho phép làm chủ trái đất, chứ không được hủy hoại. Con người không phải là “chủ tể” mà chỉ là “quản lý” của trái đất mà thôi.
Thực ra, khi đọc lại lịch sử các tôn giáo ta thấy vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều. Vì thế chúng ta sẽ để dành đoạn 1 (nền tảng Kinh thánh) cho phần cuối cùng, để đọc lại tư tưởng của Kinh thánh về sự tạo dựng vũ trụ, một đặc trưng của niềm tin Kitô giáo khác biệt với các tôn giáo thiên nhiên, và chúng ta cũng thêm về công cuộc “tái tạo dựng” mà đức Kitô mang lại cho nhân loại.
B. Các từ ngữ
Trước khi vào vấn đề, nên lưu ý về vài từ ngữ khó chuyển dịch từ ngôn ngữ châu Âu sang tiếng Việt: nature, création, monde.
1/ Nature (Anh, Pháp): thiên nhiên, tự nhiên, bản nhiên, bản tính, bản chất
Trong nguyên gốc Latinh, natura nói đến cái-gì-được-sinh-ra (động từ nasci, natus), do bẩm sinh. Đối với người tin vào Thiên Chúa, thì họ liên tưởng đến nguồn gốc “thiên phú” (của Trời cho); đối với người không tin, thì họ nghĩ đến bản chất nội tại của sự vật (thí dụ: nước chảy xuôi). Ngoài ra, đôi khi natura cũng có nghĩa là “thiên nhiên” (tự nhiên), đối lại với cái gì nhân tạo (giả tạo), thí dụ cái đẹp tự nhiên và cái đẹp của son phấn! Theo hướng này, vài nhà nhân học đối chọi giữa “nature” (thiên nhiên, hoang dã) với “culture” (văn hóa, có sự can thiệp của bàn tay con người).
Vì thế, khi nói đến loi naturelle[8], mỗi người nghĩ trong đầu một ý tưởng khác nhau:
- có người nghĩ là luật mà Trời đã ấn định (luật thiên nhiên, luật tự nhiên), thí dụ: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão..
- có người nghĩ là luật nằm trong bản chất của sự vật (thí dụ hai người nam nữ kết hôn vì yêu nhau và để sinh con đẻ cái).
- có người nghĩ là luật mà ta có thể thiết lập sau khi đã quan sát và thí nghiệm nhiều lần (đun nước đến 100 độ thì sôi), chẳng hạn các định luật “tự nhiên” trong vật lý học.
Do những ý nghĩa hàm hồ của tiếng nature (thiên nhiên, tự nhiên) cho nên đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận bất tận: khoa học (và kỹ thuật) phải tôn trọng “luật tự nhiên”, hay có thể làm thay đổi? Thế nào là luật tự nhiên (hay luật thiên nhiên)?
2/ Création (Anh, Pháp): Tạo dựng (động từ créer/to create), có thể hiểu về sự tạo dựng (hành vi), hoặc về toàn bộ công trình tạo dựng, loài thụ tạo (kết quả của sự tạo dựng).
Sự tạo dựng giả thiết niềm tin vào Đấng Tạo hóa dựng nên vũ trụ (nghĩa là vũ trụ không tự hữu). Tuy nhiên không phải mọi người nếu chấp nhận như vậy: đừng kể những người vô thần, nhiều triết gia hoặc tôn giáo cổ đại cho rằng vũ trụ này hiện hữu từ muôn thuở.
Kể cả những tôn giáo hay triết học chấp nhận Đấng Tạo hóa, thì cũng có nhiều quan điểm khác biệt: có người cho rằng Đấng Tạo hóa đã dùng một chất liệu có sẵn để làm nên vũ trụ (tựa như bác thợ mộc làm bàn ghế từ tấm gỗ); có người cho rằng Đấng Tạo hóa dựng nên vũ trụ “từ hư vô” (ex nihilo). Có học thuyết cho rằng sau khi đã thiết kế và hoàn tất công trình tạo dựng, thì ngài nghỉ ngơi (deus otiosus), để cho “máy tự động chạy”, hoặc cùng lắm nhờ một người khác trông coi giùm. Đạo lý Công giáo dạy rằng Thiên Chúa tiếp tục quan phòng, điều khiển vũ trụ.
3/ Monde (Pháp)/World (tiếng Anh)[9]: trần thế, thế gian, thế giới.
Đây là một danh từ với nhiều ý nghĩa (hàm hồ) trong đời sống hằng ngày cũng như trong từ ngữ thần học và tu đức.
a) Trong ngôn ngữ hằng ngày, “thế giới” có thể hiểu về:
- không gian: “thế giới” bao gồm cả vũ trụ (trái đất và các hành tinh), hay chỉ giới hạn vào trái đất, hoặc chỉ là loài người: “thế vận hội” chỉ là cuộc chơi của loài người, chứ không bao gồm các sinh vật khác hoặc các hành tinh khác.
- thời gian: thế giới được hiểu về thời đại (thí dụ: thế giới mai sau, thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng).
b) Trong triết học
Nhiều vấn đề được đặt lên liên quan đến thế giới
- vũ trụ quan: nguồn gốc và cứu cánh của thế giới (tạo dựng, tiến hóa?)
- nhân sinh quan: giới hạn “thế giới” vào những vấn đề của nhân loại (cải thiện thế giới, canh tân thế giới, toàn cầu hóa); thế giới văn minh, thế giới chậm tiến, thế giới thứ ba; thế giới Hồi giáo...
c) Trong Kinh thánh
Trong Kinh thánh, “thế giới” (thế gian, trần gian) có thể hiểu theo ít là bốn nghĩa, thậm chí ngay trong một tác giả (thánh Gioan tông đồ).
- (i) Thế giới: trời và đất; tất cả những gì do Thiên Chúa làm ra (Ga 1,3)
- (ii) Thế giới: nhân loại. “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian (Ga 3,15). Đức Kitô là “ánh sáng của thế gian”.
- (iii) Thế gian: lực lượng chống đối Đức Kitô (Ga 1,10-11; 8,21.23.34.44). Thế gian ghét Chúa và ghét các môn đệ của Người (Thủ lãnh thế gian là Satan: Ga 12,31; 14,30; 16,31). Vì thế không có lý do gì mà các tín hữu lại yêu thế gian! “Các con đừng mê thế gian và những gì thuộc về thế gian. Ai yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha” (1 Ga 2,15)
- (iv) Thế gian cần được cứu chuộc. Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian (Ga 1,29). Người đã sai các môn đệ đi vào trần gian (Ga 17,11.14-18). Họ không thuộc về trần gian, nhưng họ sống trong trần gian.
Trong quá khứ, đôi khi người ta nhấn mạnh đến nghĩa thứ ba, cách riêng nơi các đan sĩ: họ “từ bỏ thế gian”, lên rừng để tu hành! Ngày nay, vai trò của các tín hữu, cách riêng là các giáo dân, là phải trở nên muối cho đời: họ sống giữa trần gian để thánh hóa trần gian.
Khi bàn về môi sinh, “thế giới” được hiểu về “trái đất”, chứ không phải là toàn thể vũ trụ (mặt trời, mặt trăng). Đôi khi “thế giới” cũng được hiểu theo nghĩa nhân sinh, nghĩa là nhân loại. Đó cũng là ý nghĩa của tựa đề hiến chế Gaudium et spes (Hội thánh trong thế giới ngày nay).
Một cách tương tự, trong chương 10, sách TLHT đôi khi dùng những từ “creation” hoặc “universe” theo nghĩa là “nhân loại” (thế giới loài người, trái đất) chứ không ám chỉ toàn thể vũ trụ bao la bát ngát!
Chúng ta sẽ tìm hiểu ba điểm: 1/ Lịch sử vấn đề môi trường và sự can thiệp của Giáo hội. 2/ Những vấn đề luân lý. 3/ Những vấn đề tín lý.
I. Lịch sử
A. Lịch sử vấn đề
Vấn đề môi trường[10] mới được nêu lên từ hậu bán thế kỷ XX, nghĩa là khá muộn so với các cuộc tranh đấu cho công lý, nhân quyền.
Dĩ nhiên, trong các cuộc tranh đấu giành độc lập, các phong trào cách mạng đã nêu lên vấn đề tài nguyên quốc gia đã bị nước thực dân khai thác. Nhưng đó chỉ xét trong tương quan giữa hai nước mà thôi: một bên thì bóc lột, một bên thì bị bóc lột; làm sao giải quyết tình trạng một cách công bằng. Mối quan tâm về sự kiệt quệ tài nguyên của trái đất, sự ô nhiễm không khí... mới trở thành nghiêm trọng từ thập niên 70, đánh dấu với cuộc khủng hoảng dầu hỏa ở vùng Cận đông.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tiếng chuông báo động trở thành dồn dập. Nào là tăng nhiệt độ trái đất, sa mạc bành trướng, và rồi đến lượt thiếu nước là nguồn sống quan trọng hơn nữa.
Nhiều phong trào bảo vệ môi trường đã ra đời, chống lại các cường quốc kinh tế cũng như các công ty tư bản đa quốc gia. Dưới áp lực của họ, Liên hợp quốc phải tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, tuy dù kết quả không đi tới đâu: Rio de Janeiro (1992), Kyoto (1997), Johannesburg (2002), Copenhague (2009), Caucún (2010), Durban. Dù sao, các chính phủ cũng bắt đầu nhận ra vấn đề, và đặt ra những cơ quan (cấp Bộ, như Việt Nam có Bộ Tài nguyên và Môi trường) để lo việc bảo vệ môi trường.
Cuộc tranh đấu này cũng liên hệ đến Kitô giáo. Trước đây, người ta trách Kitô giáo là đã làm cản trở tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bây giờ Kitô giáo bị tố cáo là nguyên nhân tàn phá môi trường do lời Kinh thánh: “hãy làm chủ vũ trụ” (St 1,26-30), đang khi các tôn giáo khác (thí dụ Phật giáo) khuyến khích tôn trọng mọi sinh vật[11].
Thật ra, việc bảo vệ môi trường đặt ra nhiều vấn đề nan giải, ngay từ trên nguyên tắc.
- Phải chăng bảo vệ môi trường có nghĩa là cấm không được khai thác thiên nhiên? Nhưng con người đã khai thác thiên nhiên từ lâu rồi. Đó là nguồn gốc của văn hóa loài người, khác với loài động vật, tiếp tục “ăn lông ở lỗ”! Mặt khác, các dân tộc sơ khai cũng phá hủy môi trường không ít khi họ chặt cây đốt rừng! Câu trả lời hợp lý không phải là không được khai thác thiên nhiên, nhưng là “một cách chừng mực”.
- Phải chăng đứng trước sự kiệt quệ nhiên liệu hiện nay cũng như để tránh sự ô nhiễm môi trường, chúng ta phải từ bỏ các tiện nghi của kỹ thuật (chẳng hạn: xe hơi, đèn điện) để trở về với nếp sống đạm bạc thời xưa? Đã có người nghĩ như vậy, nhưng có lẽ chỉ là một thứ hobby của những người giàu, muốn về thôn quê nghỉ ngơi sau một tuần lễ căng thẳng ở các văn phòng; đa số dân nghèo vẫn “trông lên” mong được hưởng những tiện nghi kỹ thuật để cho cuộc sống đỡ vất vả. Làm thế nào dung hòa giữa nhu cầu phát triển với nếp sống tham đạm giản dị “như thời xưa”?
- Một vấn nạn khác nữa liên quan đến sự “phát triển”. Trong chương trước, chúng ta đã được nghe nói đến nguyên tắc “phát triển toàn diện”: phát triển dành cho tất cả mọi người và phát triển toàn diện con người (số 373). Nguyên tắc này được lặp lại ở chương này (số 483). Thế nhưng, trên thực tế, người ta thường chỉ hiểu về sự phát triển kinh tế (tài sản vật chất). Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sự sản xuất đòi hỏi sự tiêu thụ: cần phải khuyến khích tiêu thụ thì bộ máy sản xuất mới có thể tiếp tục hoạt động. Hệ quả đưa đến não trạng tiêu thụ (consumerism) với những hệ luận luân lý không nhỏ, tựa như: chạy theo thời trang, ưa thích chiếm hữu và phô trương hào nhoáng (to have) hơn là chú trọng đến thực chất (to be)[12]. Phải chăng chúng ta cần phải lật ngược tình thế: cần cổ võ nếp sống thanh đạm, cần kiệm? Nhưng nói như vậy chẳng phải là tuyên bố đóng cửa các công ty sản xuất sao?
Những vấn nạn này cho ta thấy rằng cần phải giữ sự quân bình, tránh những chủ trương cực đoan, thái quá hoặc bất cập.
B. Những lần can thiệp của GHXH
Vấn đề môi trường không được đề cập trong một văn kiện riêng rẽ, nhưng được bàn trong những văn kiện chung của giáo huấn xã hội, chẳng hạn như:
1/ Trong các thông điệp GHXH
ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (1967), số 22-24; 69.
- Tông thư Octogesima adveniens (1971), số 21.
ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1988), số 25-26; 39.
- Thông điệp Centesimus annus (1991), số 37-38.
- Tông thư Ecclesia in America (1999), số 25.
ĐGH Bênêdictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (2009), số 48; 50.51.61.
2/ Bên cạnh đó, còn có những lần lên tiếng tuy không trang trọng như các thông điệp, nhưng cũng đáng chú ý.
a) Sứ điệp ngày hòa bình thế giới
- “Hòa bình với Đấng Tạo hóa, hòa bình với mọi loài thọ tạo” (năm 1990)
- “Nếu muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn trái đất” (năm 2009)
b) Phát biểu của Tòa thánh tại các Hội nghị quốc tế về môi trường
- Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II tại Trung tâm LHQ về môi trường, Nairobi (18/8/1985).
- Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II cho Hàn lâm viện Khoa học của Tòa thánh (12/3/1999)
- Pontifical Council for Justice and Peace, From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment 1972-2002, (Vatican City 2002).
c) Văn kiện Tòa thánh về một vài đề tài liên quan đến môi trường
Pontifical Council for Justice and Peace, Water, an Essential Element for Life. A Contribution of the Delegation of the Holy See on the occasion of the 3rd World Water Forum, (Kyoto March 22, 2003)
Sau cùng, cũng nên thêm sách GLCG số 299-301; 307; 339-341; 344: 2415-2418.
II. Những vấn đề luân lý
Trong chương X, chúng ta thấy có nhiều vấn đề luân lý được đặt ra, dưới nhiều lãnh vực khác nhau, đi từ những nguyên tắc tổng quát đến vài trường hợp cụ thể. Dĩ nhiên, có những điều đã được bàn trong các chương trước và nay được lặp lại trong một bối cảnh mới[13]. Tuy đặt tên là “luân lý” (để phân biệt với các đề tài “tín lý” sẽ nói sau), nhưng các đề tài này giả thiết một đạo lý lành mạnh về những tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với vạn vật.
A. Tương quan giữa con người với thiên nhiên
Việc giải quyết các vấn đề môi sinh cần được đặt trên một quan điểm đúng đắn về tương quan giữa con người với vũ trụ. Phải thú nhận rằng đây là đạo lý mạc khải của Kinh thánh chứ không phải là chân lý do lý trí khám phá ra, được sách TLHT tóm lại ở các số 456; 461-465.
1/ Nguyên tắc căn bản (số 456). Có thể được phát biểu qua 3 mệnh đề như sau:
a) Thiên nhiên được ban để phục vụ con người. Thiên nhiên là một món quà cho con người. Thiên nhiên không phải là thần linh (như quan điểm của vài tôn giáo), nhưng là thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên để phục vụ con người.
b) Con người không được lạm dụng thiên nhiên, nhưng hãy sử dụng nó cách điều độ[14].
c) Nếu duy trì mối tương quan tốt đẹp ấy, thiên nhiên được thăng tiến và đạt đến mục tiêu tối hậu của nó.
Sự phân biệt giữa “sử dụng” (usus, use) và “lạm dụng” (abusus, abuse) đã có từ cổ luật Rôma. Quyền sử dụng đồ vật sở hữu là điều hợp pháp, nhưng lạm dụng (dùng không đúng thời, đúng mức) là điều trái luật. Trước đây nguyên tắc áp dụng vào tài sản vật chất (của một cá nhân), bây giờ nguyên tắc mở rộng đến tất cả tài sản của thiên nhiên. Dưới phương diện luân lý, sự lạm dụng không chỉ được hiểu về sự khai thác vô độ, nhưng còn được hiểu về việc sử dụng không phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thiên nhiên được Thiên Chúa dựng nên cho con người hưởng dụng: con người cần phải nhận ra hồng ân của Thiên Chúa khi sử dụng thiên nhiên; vì thế nếu con người sử dụng thiên nhiên mà không màng đến Thiên Chúa thì đã “lạm dụng” nó.
2/ Thiên nhiên với Thiên Chúa
Khi mối tương quan với Thiên Chúa bị mất, thì mối tương quan giữa con người với thiên nhiên cũng bị lệch lạc (TLHT số 463), dẫn tới hai thái cực:
- đôi khi con người tự coi mình làm chủ tể, khai thác thiên nhiên bừa bãi;
- đôi khi con người tôn thiên nhiên lên làm chủ tể, không nhận ra vị trí ưu việt của mình giữa các thụ tạo. Huấn quyền không chấp nhận hai quan điểm “ecocentrism” và “biocentrism”[15] của vài phong trào bảo vệ môi sinh: họ chủ trương bảo vệ “sinh quyển” (biosphere) chứ không quan tâm đến con người (loài người có thể bị tiêu diệt, nhưng điều quan trọng là bảo vệ trái đất và các sinh vật).
Vì thế cần một cái nhìn quân bình giữa các mối tương quan: giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với vạn vật. Vạn vật không phải chỉ là những “công cụ” nhưng là “món quà” do Chúa ban, cần được đối xử thân tình.
3/ Thiên nhiên với nhân loại
Bàn về luân lý môi sinh, chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc đã được nói trước đây về tình liên đới trong gia đình nhân loại. Trong vấn đề này, TLHT số 464 đã trưng dẫn thông điệp Centesimus annus (số 38) liên kết “môi trường thiên nhiên” (écologie environnementale) với “môi trường nhân sinh” (écologie humaine) Cụm từ “écologie de l’homme” tái xuất hiện trong thông điệp Caritas in veritate số 51, và Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới 2010 (“Nếu muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn trái đất”). Việc thiếu tôn trọng môi trường bắt nguồn từ việc thiếu tôn trọng con người.
Thực vậy, đàng sau các vấn đề môi sinh là những vấn đề của con người: làm thế nào tạo ra một môi trường “dễ thở” cho con người? Khi nói đến “con người”, chúng ta hiểu đến toàn thể gia đình nhân loại, không những bao gồm các dân tộc hiện nay ở khắp năm châu, nhưng cũng nghĩ đến các thế hệ trong tương lai nữa (TLHT số 467).
Vì thế vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được thúc đẩy bởi việc tôn trọng con người, tôn trọng mạng sống con người. Việc hạn chế sinh sản không thể coi như một giải pháp cho chính sách bảo vệ môi trường (TLHT số 483).
B. Khoa học kỹ thuật và việc tôn trọng môi trường
Câu chuyện này trở nên phức tạp hơn. Giáo hội không chỉ “phán dạy” cách đơn phương, nhưng cần sự nghiên cứu của các nhà chuyên môn.
1/ Cần phải tránh hai thái cực (số 480)
- Lạc quan thái quá: không muốn nhận ra những nguy cơ về sinh thái
- Bi quan thái quá: báo động sai lạc về những đe dọa kỹ thuật[16].
2/ Không thể đổ trách nhiệm hủy hoại môi trường cho khoa học và kỹ thuật. Khoa học và kỹ thuật đã góp phần trong việc thăng tiến con người. Khoa học và kỹ thuật có khả năng để sửa chữa những lệch lạc. Điều cần thiết là tinh thần phục vụ ích chung của nhân loại, và cố gắng khám phá những định luật vận hành của vạn vật, dựa theo bản tính của chúng (số 458-459).
Dựa vào đó, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành những luật pháp cần thiết cho việc bảo vệ môi trường (số 468-469).
C. Vài vấn đề cụ thể
Ngoài những nguyên tắc liên hệ trực tiếp đến môi trường, sách TLHT cũng xếp vài vấn đề khác trong chương 10.
1/ Kỹ thuật sinh học (số 472-480).
Một vấn đề còn đang tranh cãi tại các cơ quan lập pháp, y học, nông nghiệp liên quan đến việc sử dụng GMO (Genetically Modified Organism)/OGM (Organisme génétiquement modifié): sinh vật biến đổi gen.
Tòa Thánh đã cho xuất bản kết quả của hai cuộc nghiên cứu:
- Pontificia Accademia per la Vita, “Biotecnologie animali e vegetali nuove frontiere e nuove responsabilità” (Libreria Editrice Vaticana 1999).
- Pontificia Accademia delle Scienze, “Studio-Documento della sull’uso delle piante geneticamente modificate per combattere la fame nel mondo” (Città del Vaticano, 2004).
2/ Mua đất để sản xuất kỹ nghệ (TLHT số 482)
Nhiều nước giàu (Hoa Kỳ, Trung quốc, Ấn độ, Hàn quốc, cũng như Arab Saud, Qatar vv.) mua đất bên châu Phi, châu Mỹ Latinh, để trồng trọt hoặc chiếm nhiên liệu. Các dân bản xứ buộc phải rời bỏ “môi trường” của mình, và tuốn về các đô thị, sống trong các khu ổ chuột.
Nhiều vùng đất rộng bao la bị kỹ nghệ hóa, và chỉ trồng một loại sản phẩm, làm mất đi sự đa dạng sinh thái.
3/ Thiếu nước do nạn hạn hán, bành trướng sa mạc. Hơn thế nữa, còn nạn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Từ đó gây ra nhiều bệnh tật (TLHT số 484-485).
Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ đòi hỏi các biện pháp chính trị, kinh tế, kỹ thuật, nhưng tiên vàn là luân lý: nó bắt nguồn từ lòng tham không đáy, tích lũy của cải trong tay một thiểu số, không đếm xỉa đến đại đa số dân nghèo. GHXH nhắc lại những nguyên tắc về tình liên đới của nhân loại, mục tiêu phổ quát của các tài sản trên thế giới.
(….còn tiếp kỳ sau)
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG -
BẢO VỆ PHẨM GIÁ CỦA CON NGƯỜI
Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Nhập Đề
Theo quan điểm của khoa học thế tục, môi trường chỉ đơn giản là không gian vật thể--môi trường thiên nhiên[17]—hoặc tinh thần—môi trường văn hóa[18]—nơi con người—cùng với các loài vật khác—sinh sống, làm việc và phát triển.
Những bận tâm dành cho môi trường—như công cuộc phòng chống “hiện tượng nhà kính”—chỉ tập trung vào việc gây ý thức và đề ra các biện pháp để chấm dứt hoặc giảm thiểu khí thải dẫn đến thảm họa “nóng toàn cầu.”[19]
Trong tầm nhìn của Ki-tô Giáo, môi trường—cả thiên nhiên lẫn tinh thần—đều không chỉ đơn giản là phương tiện để con người sinh sống và phát triển. Môi trường còn có một mối tương quan và tương tác sâu hơn và cao cả hơn với sứ mạng của con người được vinh dự cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa Tạo Hóa.
Môi Trường Trong Thánh Ý Thiên Chúa
Trong khi khoa học thế tục chỉ có thể suy đoán về nguồn gốc của vạn sự vạn vật nhờ dựa vào các bằng chứng kiểm nghiệm được, thì Ki-tô Giáo đón nhận chân lý mạc khải từ Thiên Chúa dạy rằng: muôn loài, muôn vật—kể cả con người—và toàn thể vũ trụ càn khôn nầy đều đã được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô.[20] Tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện đều tốt lành.[21]
Thánh Kinh xác quyết là Thiên Chúa có chủ quyền tuyệt đối trên toàn thể kiệt tác của Người, và, trái với quan niệm Duy Ý[22] và Nhị Nguyên,[23] khẳng định bản tính tốt lành của muôn loài muôn vật trong cõi tạo thành.
Thiên Chúa là Nguồn Cội của tất cả những gì thiện hảo và xinh đẹp đã tự biểu lộ qua công trình sáng tạo. Nét đẹp của bầu trời rực rỡ ánh thái dương ban ngày và lấp lánh trăng sao ban đêm; dáng vẻ hùng vĩ của non cao, biển rộng, muông thú rừng xanh và hải vật tung hoành sóng nước, đều chung một lời công bố vinh quang vĩ đại của Thiên Chúa:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
Đêm nầy kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu,
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.[24]
Toàn thể vũ trụ vạn vật, từ loài thú hiếu động tung tăng trên bầu trời, dưới sông biển hay trên mặt đất, cho đến loài thực vật không ngừng phát triển mãnh liệt phủ xanh địa cầu, và thậm chí cho đến loài vô tri vô giác như gỗ đá, mưa gió…cũng đều chung tiếng chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa Hóa Công:
Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chin tầng trời thăm thẳm,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào mưa sương tất cả,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi luồng gió cơn giông,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nầy đồi xanh núi biếc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sông sâu biển cả,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thủy tộc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.[25]
Tự bản chất xinh đẹp hồn hậu, chân thật, thiên nhiên luôn là áng văn thơ tuyệt phẩm, là bản trường ca hùng tráng muôn ngàn đời chúc tụng uy danh và thượng trí của Đấng tác thành ra mình, vượt xa mọi nỗ lực học hỏi, phụ họa, bắt chước nhân tạo vụng về, thô thiển.
Lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa do thiên nhiên liên tục muôn ngàn thế hệ dâng lên không ngưng nghỉ chẳng ai và chẳng có quyền lực nào ngăn cản được, ngay cả khi con người bị bắt buộc phải ngậm miệng giả câm: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên.”[26]
Chẳng những thiên nhiên biết theo cách thức đặc trưng của mình mà tôn vinh Thiên Chúa, nhưng lại còn nêu cao gương vâng phục quy luật Người ban bố. Trong buổi đầu Sáng Tạo, muôn loài muôn vật nhanh nhẹn đáp lại lịnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy xuất hiện!”, ngay lập tức, từ cõi hư vô vô định, chúng đến trình diện Người và thưa “Có mặt!”.[27] Kể từ thời khắc ấy, chúng nhứt mực tuân theo mọi định luật Thiên Chúa đã ấn định, không mảy may sai chạy. Mỗi loài, mỗi vật góp phần làm nên một tổng thể vũ trụ càn khôn hòa điệu, chuẩn xác nghiêm minh diệu kỳ.
Chúa lập địa cầu trên nền vững,
Khôn chuyển lay muôn thủa muôn đời!
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
Khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài.
Sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát.
Băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội,
Về nơi Chúa đặt cho.
Ngài vạch đường ranh giới, ngăn cản chúng vượt qua,
Không còn cho trở lại, dâng lên ngập địa cầu.
Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
Dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.
Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
Chốn rừng sâu muông thú tung hoành.
Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
Tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.[28]
Chính nhờ thiên nhiên nghiêm chỉnh tuân thủ lịnh truyền của Thiên Chúa, mới xuất hiện khái niệm không gian và thời gian, mới hình thành lịch sử và các khoa học, khởi điểm của văn minh nhân loại.
Không chỉ giản đơn là những thụ tạo luôn tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa, thiên nhiên còn được vinh dự phục vụ Người như những công bộc trung thành:
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc, toàn oai phong lẫm liệt,
Cẩm bào Ngài khoác, muôn vạn ánh hào quang.
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
Điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Người lướt bay cánh gió,
Sứ giả Ngài: làn gió bốn phương,
Nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.[29]
Hơn nữa, phẩm chất trung kiên, muôn thủa tuân giữ luật pháp Thiên Định khiến những thụ tạo nầy được chỉ định làm bồi thẩm đoàn, thậm chí còn đứng vai công tố, trong phiên tòa Công Lý Nhà Trời xét xử con người:
Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, nay Người lên tiếng,
Từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.
Tại Xi-on, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh,
Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng.
Hang tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt.
Quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.
Chúa hạ lịnh đòi trời cao đất thấp,
Phải ra phiên tòa nghe Chúa xử dân Người.
Rằng: “Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu,
Những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ.”
Các tầng trời tuyên bố Chúa công minh,
Vì chính Người sẽ đứng ra xét xử.[30]
Vươn cao bên trên cõi đời phàm trần, nơi thiên hạ bon chen đắm mình vào bao cảnh tội lụy thấp hèn, những quả thạch sơn uy nghi, hùng vĩ, thánh thiêng, còn được vinh dự làm địa điểm cho loài người chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, lập tế đàn, và xây đền thờ tôn kính Người.
Núi Xi-nai gắn liền với biến cố Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho nhân loại.[31]
Núi Kho-rép là nơi Thiên Chúa truyền mật chỉ cho Ngôn Sứ Ê-li-a.[32]
Núi Mô-ri-gia, nơi Tổ Phụ Áp-ra-ham sát tế con trai duy nhứt là I-xa-ác, được Thiên Chúa chọn để xây đền thờ Giê-ru-sa-lem tôn kính Người.[33]
Chúa Ki-tô chọn núi cao để giảng dạy dân chúng[34] và cho các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Chúa.[35]
Ngọn đồi Gôn-gô-tha đã đi vào lịch sử cứu độ, khi được chọn làm nơi Chúa Ki-tô dâng chính mạng sống của Người làm hiến lễ thục tội toàn thể nhân loại.[36]
Và núi Ô-liu là địa điểm Chúa Ki-tô ủy nhiệm Hội Thánh sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.[37]
Biển Đỏ và Sa Mạc Sua trở thành yếu tố không thể tách rời trong biến cố Vượt Qua khi Thiên Chúa giải thoát Dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Pha-ra-ô.[38]
Giòng sông Giô-đan chứng kiến biến cố Chúa Ki-tô chịu thanh tẩy do tay một người phàm và lãnh nhận sứ vụ từ uy quyền một Đấng Thiên Chúa vĩ đại.[39]
Chất liệu ngũ hành—như nước—và hoa trái kết tinh từ các vật thể đó—như dầu trái ô-liu, bột lúa miến, tinh cốt quả nho—được Chúa Ki-tô sử dụng trong các bí tích thánh của Giao Ước Mới.[40]
Mối Tương Quan Thân Thiết Giữa Môi Trường Và Con Người
Sau khi hoàn thành công trình sáng tạo, Thiên Chúa ủy thác toàn thể vũ trụ vạn vật cho con người “để cày cấy và canh giữ.”[41] Môi trường thiên nhiên trở thành chẳng những là phương tiện sinh sống, mà còn là sản nghiệp và là mái nhà của con người.
Nhận biết phẩm chất màu mỡ, tiềm năng phong phú của thiên nhiên, con người đem tài trí, công sức chuyển hóa chúng thành lương thực nuôi sống mình. Sức sống mãnh liệt của các vật thể, các loài trong thiên nhiên tác động trên mạng sống và sức khỏe con người để bồi bổ, tăng trưởng, chữa trị, và phục hồi. Thiên Chúa đã hữu ý tác thành con người từ khối đất,[42] qua đó, thiết lập mối tương quan giữa con người—tiểu vũ trụ--với ngũ hành trong đại vũ trụ.
Với thẩm quyền Thiên Chúa trao cho, con người có chính nghĩa để tuyên bố quyền sở hữu trên các công trình đã thực hiện—thành quả lao động thể lý và trí tuệ—niềm tự hào của công bộc trung tín và khôn ngoan luôn chu toàn ý muốn của chủ.[43]
Thật ra, thiên nhiên không phải là môi trường sinh sống độc chiếm của con người. Đây là nơi cộng sinh của muôn ngàn hình thức mang sức sống, từ giản đơn cho đến phức hợp trong thực vật và động vật. Ý thức đúng đắn về vai trò quản lý Thiên Chúa ủy thác cho mình, con người tất yếu biết hành xử thật chuẩn mực trong trách nhiệm khai thác, phân phối, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội do con người sáng kiến và thực hiện đều phải gắn liền với mối quan tâm về điều kiện an sinh bền vững, chẳng những cho nguời đồng loại , mà còn cho vô vàn vô số các loài khác nữa.[44]
Mối tương quan giữa con người và môi trường thiên nhiên có tính cách tương tác sinh tử. Càng học hỏi thấu đáo và tôn trọng nghiêm cẩn quy luật thiên nhiên, con người càng đạt tới một cuộc sống bình an, thịnh vượng. Càng có lương tri và tâm huyết xây dựng một môi trường trong lành, thân thiện, hòa điệu, con người càng được tận hưởng một cuộc đời ý nghĩa và mãn nguyện. Chỉ khi nào được sống trong một môi trường hoàn hảo của một cõi địa đàng thì tuổi thọ của con người—thậm chí ước nguyện cuộc đời “trường sinh bất tử”—mới thật sự đáng sống.
Cổ nhân quả có lý khi dạy phải xây dựng cuộc đời trên nền tảng mối tương quan hòa điệu giữa con người với đất và với trời—thiên-địa-nhân. Nói theo quan điểm Ki-tô Giáo, đó chính là mối hòa điệu giữa con người với môi trường tự nhiên theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa.
Môi Trường Và Phẩm Giá Con Người
Khi chuyển giao vũ trụ vạn vật cho con người khai thác và bảo quản, Thiên Chúa không đối xử với con người như một tay tá điền hoặc một viên quản lý đơn thuần, nhưng thực chất là chỉ định họ làm đại diện chính thức, nắm toàn quyền trên công trình sáng tạo.[45]
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo.
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân.[46]
Con người chứng tỏ có đủ khả năng, bản lãnh và uy tín để thi hành trách nhiệm Thiên Chúa giao phó khi đứng ra “xem mặt đặt tên” cho muôn vật muôn loài.[47] Theo ngữ cảnh Thánh Kinh, một danh xưng, của thần linh hay người phàm; của sinh vật và các vật thể vô hồn, phản ánh một cách chuẩn xác và hữu hình bản tính sâu thẳm của chủ thể mang danh xưng ấy.[48] Con người quả có đủ tri thức khoa học tự nhiên, lẫn khoa học nhân văn, và cả khoa học tâm linh, khi lãnh nhận công việc nghiên cứu, phân loại, và sắp xếp có hệ thống cơ man nào là các hình thái hiện hữu trong cõi hoàn vũ hầu như bao la bất tận.[49]
Thi hành đúng chức năng “một quản gia trung tín và khôn ngoan”[50], cần mẫn đáp ứng mọi nhu cầu cho mọi thành phần trong gia đình hoàn vũ, con người mang trọng trách rất lớn đối với lẽ tồn vong của muôn loài muôn vật xét theo 3 chiều kích: pháp lý, luân lý và tôn giáo.[51]
Luật hưu lễ và quy định cử hành năm toàn xá[52] trong Cựu Ước diễn đạt được cả 3 chiều kích nói trên khi liên kết luật công bằng xã hội với luật luân lý hướng dẫn lương tri trong cách con người đối xử với đồng loại và với môi trường thiên nhiên, và sau cùng, đặt cả 2 luật công bằng xã hội và luân lý trên nền tảng luật trường cửu của Thiên Chúa.
Về pháp lý, luật pháp xã hội quy định hợp lý về thời gian, mức độ làm việc và nghỉ ngơi, cùng với việc phân phối thành quả lao động, chẳng những cho mọi người—chủ, thợ, gia nhân, ngoại kiều—mà còn cho gia súc lẫn muông thú nữa. Điều gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ là thái độ tôn trọng môi trường sinh thái từ khoản luật buộc phải để đất đai—đối tượng không có tiếng nói, vô tri vô giác—cũng được quyền nghỉ ngơi. Nhưng để luật pháp có tính nhân văn và nhắm mục tiêu phục vụ đời sống con người, không thể bỏ qua quy tắc luân lý, sao cho luật pháp xã hội không vi phạm phẩm giá con người, không gây tổn hại cho các sinh vật khác, và không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi; trong sáu năm, các người sẽ tỉa vườn nho của các ngươi, và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một sa-bát kính Đức Chúa: các ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi; các ngươi không được gặt lúa tự nhiên mọc sau mùa gặt, không được hái những chùm nho từ vườn nho không cắt tỉa của các ngươi: đó sẽ là một năm đất nghỉ. Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của các ngươi, người làm thuê của các ngươi, khách trọ nhà các ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi các ngươi. Còn gia súc và dã thú ở trong đât các ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng. [53]
Việc giữ luật pháp xã hội trở thành chỉ dấu của lương tri chính trực và lòng mộ đạo thờ phượng Thiên Chúa. Một khi biết cẩn trọng chu toàn cả 3 chiều kích nầy, dân Thiên Chúa được chúc phước nơi thành quả thu hoạch hoa màu thật sung túc, dư dùng cho suốt thời gian giữ luật hưu lễ.
Các ngươi phải đem ra thực hành các quy tắc của Ta, phải giữ và đem ra thực hành các quyết định của Ta, và các ngươi sẽ được sống yên hàn trên đất ấy. Đất sẽ sinh hoa trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó.
Có lẽ các ngươi sẽ nói: “Năm thứ bảy chúng tôi sẽ ăn gì, nếu chúng tội không gieo vãi và không thu hoa lợi?” Ta sẽ truyền cho phúc lành của Ta đến với các ngươi vào năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm. Năm thứ tám, các ngươi sẽ gieo vãi, nhưng sẽ lấy hoa lợi cũ mà ăn; đến năm thứ chín, đến khi gặt hoa lợi năm ấy, các ngươi sẽ ăn hoa lợi cũ.[54]
Mối tương quan nhân quả giữa đời sống luật pháp, luân lý và tôn giáo với môi trường thiên nhiên càng được khắc họa sắc nét hơn khi Thánh Kinh quả quyết mọi thảm họa xảy ra trong vũ trụ—thường gọi là thiên tai—thật ra, đều có nguồn gốc từ con người.
Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
Đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
Đất mầu mỡ hóa đồng chua nước mặn,
Vì dân cư độc ác gian tà.[55]
Sách Sáng Thế vẽ ra một cảnh tượng tương phản của bức tranh địa đàng trước và sau hành vi phạm tội của con người, giống như khung cảnh của một thành phố sang trọng, xinh đẹp, trước và sau khi bị tàn phá vì một cơn động đất dữ dội, một trận siêu bão, hoặc một cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân.[56]
Hiện tình xã hội con người và môi trường thiên nhiên là một chứng cứ cho thấy cơn khủng hoảng cùng cực mọi thú giá trị có nguyên nhân sâu xa và chính yếu từ thái độ con người—công khai hoặc ngấm ngầm, bằng lý thuyết hay do thực hành—phủ nhận vai trò của Thiên Chúa là chủ nhân, là nhà lập pháp và thẩm phán tối cao của vạn loài vạn vật hiện hữu trong vũ trụ càn khôn.
Một khi đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, trở thành điếc và mù trước lịnh truyền của lương tri, để chỉ biết chạy theo tham vọng bất chính, bất nhân của mình, con người phá vỡ tình trạng trật tự, hòa điệu do chính Thiên Chúa thiết lập cho muôn loài muôn vật trong vũ trụ càn khôn. Không chấp nhận luật lệ Thiên Chúa làm nguyên lý tuyệt đối cầm cân nẩy mực, con người phải tự biến mình thành chuẩn mực tuyệt đối trong mọi hành xử với tha nhân và với môi trường thiên nhiên. Bị cuốn hút vào cơn lũ ác tà cuồng bạo, con nguời càng lúc càng chìm sâu vào mọi thứ thảm họa khủng khiếp mà không còn có khả năng ngoi lên, và càng chẳng hy vọng vượt thoát.
Các thảm họa con người gánh chịu, theo góc độ nhận định trong tương quan liên hoàn luật pháp-luân lý-tôn giáo như đã trình bày bên trên, có thể được xem vừa như hình phạt vì đã phạm luật, vừa như cái giá phải trả cho sai lầm mắc phải, và cũng vừa là công cuộc cải huấn công minh của Thiên Chúa.
Mọi vi phạm luật pháp—cả luật thiết định lẫn luật thiên nhiên—đều dẫn tới trách nhiệm của thủ phạm. Khung hình phạt đối với vi phạm luật lệ thiết định của xã hội gồm đền bù thiệt hại bằng giá trị tương đương hoặc phải chịu một số hình thức chế tài đích đáng. Một thiên nhiên tơi tả, què quặt, dẫn đến một môi trường bị thu hẹp về diện mạo mỹ thuật, quy mô phục vụ, và phẩm chất của tài nguyên, đều là án lịnh áp đặt trên phạm nhân. Hiện tượng nóng toàn cầu, hoang mạc hóa, nạn tuyệt chủng của nhiều giống loài là những điều khoản mạnh mẽ kết án bao sai phạm của con người đối với quy luật thiên nhiên.
Trách nhiệm luân lý tiếp theo sau hình phạt luật pháp là bằng chứng cho thấy địa vị và phẩm giá con người khi hành xử như một nhân vị—có lý trí và tự do—chứ không theo bản năng hoặc xung động sinh tồn của loài vật khác. Tòa án lương tâm, tuy không ồn ào, ấn tượng bằng pháp đình xã hội, song lại đáng sợ gấp ngàn lần. Trừ phi phải thi hành mọi phán quyết của lương tri liên quan đến việc đền bù cân xứng những lỗi lầm đã gây ra, phạm nhân không bao giờ có thể quay lại hội nhập vào nếp sống bình an, trong sáng trước đây. Phạm nhân có thể tìm nhiều cách trốn chạy phán quyết của tòa án lương tâm—như lao vào cảnh ồn ào, tất bật và náo loạn của nhiều tội ác khác chẳng hạn—nhưng tất cả đều trở thành vô dụng bởi lẽ vị thẩm phán chủ tọa xét xử tại pháp đình nội tại của con người chính là con người.
Tuy nhiên, đáng kính sợ hơn hết là khi đặt trách nhiệm của phạm nhân trong tương quan với Thiên Chúa dưới ánh sáng đức tin vào tình thương và công lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa được Thánh Kinh giới thiệu vừa là tinh thương[57] vừa là công lý.[58] Là Đấng thi hành công lý, Thiên Chúa xét xử, phân định tội phúc công minh, không bỏ sót lỗi lầm, không quy trách oan sai. Nhưng vì là Người Cha giàu lượng từ bi thương xót, Thiên Chúa luôn biểu lộ tình thương yêu ngay cả lúc sửa trị lỗi phạm của con cái.[59] Đàng khác, công lý của Thiên Chúa chú trọng mục đích giáo dục, cải hóa, cứu chữa và phục hồi phẩm giá của tội nhân chứ không giới hạn vào mục tiêu trừng phạt và báo thù như công lý phàm nhân. Công cuộc hòa giải tội nhân với Thiên Chúa do Chúa Ki-tô thực hiện[60] là chứng cứ không thể chối cãi về quyền năng diệu kỳ của Đấng Thiên Phụ vì có thể hóa giải tình thể lưỡng nan: yêu thương mà không có công lý là thứ tình yêu mù quáng; thi hành công lý với trái tim vô cảm là thứ công lý của quỷ dữ.
Điều cần ghi nhận là khi nói về việc án lịnh của Thiên Chúa được thi hành ra sao. Tất nhiên, Thiên Chúa vừa là Đấng Lập Pháp và Thẩm Phán,[61] việc ban hành luật pháp, tiến trình xét xử, công bố và thi hành án lịnh nhứt thiết phải diễn ra tức khắc và chuẩn xác. Kỳ diệu thay, “cánh tay công tố” mẫn cán và “lực lượng cưỡng chế” hùng hậu luôn sẵn sàng thực thi phán quyết của Thiên Chúa, chính là toàn thể muôn vật muôn loài trong vũ trụ nầy, trong thiên nhiên, trong môi trường sống của chính con người. Chẳng những muôn loài thú vật, muôn loài cỏ cây, lúc nào cũng răm rắp vâng phục luật pháp Thiên Chúa, mà toàn thể ngũ hành—kim, mộc, thủy, hỏa, thổ—cũng cung cúc phụng mạng Đấng Tạo Hóa Chí Tôn, Chí Thánh, một khi phán quyết được ban bố. Động tác muôn loài muôn vật trong thiên nhiên thi hành phán quyết của Thiên Chúa tuyệt đối nhanh chóng, chính xác và đúng mực là kết quả—như đã trình bày bên trên—của bản chất trung thực, hồn nhiên, thủy chung và phục tùng của chúng trước uy quyền của Đấng Tạo Hóa. Toàn thể tạo thành—thiên nhiên—luôn luôn đứng về phía Thiên Chúa, Chủ Nhân duy nhứt của chúng.
Hành động của muôn loài muôn vật, đồng loạt và nhứt quán, quyết liệt và một mất một còn, chống lại con người, là một tuyên ngôn rõ ràng, tách bạch: con người đã mất hết tư cách của một quản gia có thẩm quyền, thừa lịnh Thiên Chúa lãnh đạo công trình sáng tạo hùng vĩ nầy. Đúng như câu: “thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Vì con người dám tạo phản chống đối lịnh truyền của Thiên Chúa, hành xử như những kẻ tá điền bất lương,[62] chiếm đoạt trái phép vai trò chủ tể của Người trên toàn thể tạo thành, nên không còn lý do để vạn vật kính trọng và vâng phục con người. Còn hơn cả một cuộc nổi dậy long trời lở đất của những kẻ từng bị áp bức bất công để lật đổ chế độ hôn quân vô đạo, phản ứng của vũ trụ vạn vật chống lại con người vừa là một cuộc chiến tổng lực,[63] không khoan nhượng, vừa là một cuộc cách mạng có tầm mức phổ cập hoàn vũ.[64] Gọi là “tổng lực”, vì bất cứ phương tiện nào có thể vận dụng vào mục tiêu chiến tranh—nhân, tài, vật lực—đều được tận dụng không hạn chế. Gọi là “hoàn vũ” vì cuộc nổi dậy nầy không chỉ xảy ra ở cấp vĩ mô—trong thiên nhiên, trời đất của đại vũ trụ—mà còn cả trong cấp vi mô—trong từng tế bào, từng nguyên tử của tiểu vũ trụ--của mỗi cá thể con người và mọi thụ tạo khác.[65]
Đây là cuộc tổng phản công của vũ trụ vạn vật chống lại tội ác của con người để thoát khỏi tình trạng bị áp bức, lạm dụng và hủy hoại.[66] Không còn cảnh rừng xanh kêu cứu vì bị xâm hại, mà là tiếng thét xung trận uất hận của cỏ cây bị tàn phá, của muông thú bị cướp mất môi trường sống. Không còn là thảm trạng sông ngòi, biển khơi quằn quại, vật vã rên siết vì bị ô nhiễm, khai thác cạn kiệt, mà là cuộn cuộn sóng thần, thác lũ, tập hợp cơ man hải tộc, càn quét cứ địa và giận dữ đòi mạng của kẻ thủ ác.
Điều vô cùng quan trọng con người phải lập tức nhìn nhận, nếu không muốn “hối quá bất cập”, đó là trong cuộc chiến phế truất ách độc tài vô luân vô đạo của con người, chính nghĩa chính danh hoàn toàn không còn đứng về phía họ.
Kết Luận
Khi so sánh tầm nhìn và trách nhiệm của hai quan niệm thế tục và Ki-tô Giáo, chúng tôi không chủ tâm coi nhẹ phần đóng góp đáng khâm phục của khoa học cho đời sống con người. Hội Thánh chính thức nhìn nhận vai trò của khoa học trong việc thăng tiến các giá trị nhân văn.[67] Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề liên quan đến lẽ sống còn của con người—trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường—các biện pháp chỉ dựa trên khoa học thế tục đã bộc lộ tính phiến diện—nếu không muốn nói là sai lầm—và do đó không đủ thẩm quyền và khả năng hoàn thành được những gì con người vẫn mong đợi.[68]
Cơn khủng hoảng hầu như toàn diện đối với các giá trị—nhứt là các giá trị văn hóa, luân lý và tâm linh—là hệ lụy tất yếu của cơn khủng hoảng các mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa—vừa là Đấng Tạo Hóa, vừa là Đấng Cứu Độ với đồng loại—với tính cách là thành viên, là huynh đệ, trong gia đình nhân loại—và với môi trường thiên nhiên—được lãnh nhận với lòng tôn kính và tri ân như gia sản vô giá của Thiên Phụ.
Trong tinh thần đó, con người phải xác tín việc bảo vệ môi trường chẳng những đơn giản là trách nhiệm pháp lý theo nguyên tắc công ích xã hội, hay cao hơn, như một ràng buộc lương tri vì đó là lẽ sống còn của cộng đồng nhân loại, mà trước hết và trên hết chính là để bảo vệ chính phẩm giá của mình. Nếu người tôi tớ trung thành và khôn ngoan được ông chủ trọng thưởng xứng đáng biết chừng nào, thì ngược lại, kẻ giúp việc bất lương phải chịu hậu quả tệ hại khôn lường.[69]
Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh nhìn nhận và tin tưởng khả năng con người quán xuyến được ngần ấy công việc khi lưu ý tầm mức trách nhiệm toàn diện và bao quát của các kế hoạch phát triển dựa vào thế lực khoa học kỹ thuật không những đối với người đồng loại mà còn đối với các thành viên khác trong “ngôi nhà chung môi trường thiên nhiên.”
Khi áp dụng các thành quả khoa học và kỹ thuật vào việc phát triển thiên nhiên, cần phải tham chiếu với nguyên tác quan trọng nầy, đó là thái độ kính trọng con người, đi kèm với lòng tôn trọng tất cả các sinh vật khác. Ngay cả khi có ý định biến đổi các sinh vật ấy, con người phải thận trọng tìm hiểu bản chất và mối liên kết hỗ tương của từng vật thể trong một hệ thống đã được sắp đặt có quy củ. Theo tinh thần nầy, không thể tránh được mối quan ngại sâu xa về những tiềm năng đáng gờm của việc nghiên cứu sinh học, bởi lẽ chúng ta chưa đủ thẩm quyền để lượng định tình trạng xáo trộn về sinh học do hành vi thao túng bừa bãi trong lãnh vực gien di truyền và việc triển khai thiếu cân nhắc những hình thái mới cho thảo mộc và động vật.[70]
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường:
MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI
(1)“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Gioan 1:1)
(2)“Con ở trong họ và Cha ở trong con,...” (Gioan 17:23)
(3) “...ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”.
1./ NHẬP ĐỀ
Một người bạn của tôi trong Ban Biên Tập đã khẩn khoản tôi viết một bài có tính tóm lược liên quan đến buổi mạn đàm của nhóm bạn chúng tôi vào đầu năm nay về đề tài “Vấn Nạn Môi Trường Toàn Cầu”. Tôi đã rất muốn tham khảo nhiều người trước khi gởi bản thảo cho Ban Biên Tập, nhưng không thực hiện được vì thời hạn khá sát và vì tôi ở vào thế miễn cưỡng phải nhận. Tôi phải nói điều này vì sự phức tạp của vấn đề và để mong độc giả có thể xem xét với sự châm chước rộng rãi hơn bình thường.
Trọng tâm của buổi mạn đàm đã nói là Bài Tham Luận[lxxi] của cô bé Severn Cullis Suzuki, 12 tuổi, trong Earth Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh Địa Cầu) do Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 1992 tại Rio De Janeiro, Brazil. Để tham khảo thông tin liên quan về video của bài phát biểu (phụ đề tiếng Việt), quý độc giả có thể google search “cô bé Severn Suzuki 12 tuổi” và đọc, chẳng hạn bài tại link sau đây: http://kenh14.vn/kham-pha/co-gai-khien-the-gioi-im-lang-va-trai-dat-sau-20-nam-2011102010364611.chn
Chúng tôi có kèm theo dưới đây bản dịch dựa theo phụ đề của Bài Tham Luận trong PHỤ LỤC 1.
Tôi trình bày những suy nghĩ của tôi không phải với tính cách là bên “độc quyền chân lý”. Chính tôi cũng đang lo lắng không biết những suy nghĩ của mình là đúng, sai ở chỗ nào; tôi nghĩ điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện được Thánh Thần soi sáng, và đó là một đặc quyền không nên từ bỏ của những người không tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”. Với những ai quan tâm đến vấn đề, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ sau đây như là những thắc mắc, có thể được dùng làm những đối tượng để suy tư nếu muốn; và như đã nói, điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện, và chờ đợi được Thánh Thần soi sáng.
2./ MỜI GỌI SUY TƯ
(1) Liên quan đến thảm trạng môi trường toàn cầu, các nội dung từ Bài Tham Luận đã “chẩn bệnh” và nêu ra phương thức “điều trị” như thế nào?
(2) Các nội dung từ bài phát biểu có nhất quán với đạo lý của Phúc Âm không? Hay nói cách khác: (a) Các nội dung từ bài phát biểu có thuộc về “Sự Thật, Ánh Sáng, Con Đường, và Sự Sống” không? Và (b) Những điều mà Bài Tham Luận “lên án” có thuộc về “Cám Dỗ, Bóng Tối, Sự Dữ, và Sự Chết” không?
(3) Việc “chẩn bệnh và điều trị” như Bài Tham Luận nêu ra có đúng không? Làm sao để chứng minh thỏa đáng cho tất cả mọi người tin theo? Làm sao để thực hiện?
Sau đây là tóm lược nội dung Bài Tham Luận theo nhận định của tôi. Việc này được làm nhằm mục đích giúp cho độc giả có thể được thuận tiện hơn khi muốn suy nghĩ về 3 điều đã nêu trên.
Bài Tham Luận nhân danh Công Lý/Công Bằng liên địa phương, và đặc biệt là Công Lý/Công Bằng liên thế hệ[lxxii] để đấu tranh và lên tiếng chống lại Văn Hóa/Chính Trị Bóng Tối (Văn Hóa/Chính Trị Satan, Văn Hóa/Chính Trị Ác Thần) trong lãnh vực môi trường.
Căn cứ vào diễn biến ngày càng nghiêm trọng và bức xúc hơn của mối họa môi trường, đến nay có thể nói là ở mức rất nguy hiểm, Bài Tham Luận cho rằng căn cơ là do:
– Sự phát triển trào lưu hưởng thụ không giới hạn trong văn hóa: Con người ngày nay khát vọng hưởng thụ, hưởng thụ vượt xa mức cần thiết, và ngày càng lãng phí.
– Sự thống trị của các loại ý thức hệ ích kỷ: Đại đa số con người không thông cảm và tự đặt mình trong cảnh ngộ khốn khó của người khác. Để thỏa mãn tham vọng vô giới hạn, họ đã vô cảm, không ý thức, hoặc có ý thức nhưng bị tham vọng làm mờ lương tri, bất chấp Công Lý/Công Bằng, liên tục tạo ra những tác hại và hậu quả, âm thầm nhưng khốc liệt mà họ không thể phục hồi, cho môi trường, sinh thái, cho đồng loại đương thời và các thế hệ tương lai.
– Sự thống trị của các ý thức hệ đạo đức giả trong xã hội, đặc biệt là trong giới thượng tầng xã hội[lxxiii]
3./ CẢM NHẬN CÁ NHÂN:
Từ ngữ thì đơn sơ, ý nghĩa thì sâu sắc.
Tôi xin thông qua phần dẫn chứng liên quan đến những điều mà Bài Tham Luận đã “lên án” vì những điều đó là quá tầm thường. Tôi không thấy sự “oan sai” trong các sự “lên án” đã nói. Chúng đã và đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc chung quanh chúng ta, khiến cho chúng ta vô cảm như thể là tự bịt tai che mắt, đến độ một số người cho rằng cuộc sống vốn dĩ phải như thế, một số người lại cho rằng chúng cấn thiết cho sự tồn tại và phát triển cho quyền lực và quyền lợi của họ.
Tôi cũng thông qua phần lý giải từ đầu đến đuôi tại sao những nhân tố mà Bài Tham Luận đã nêu lại là các căn cơ dẫn đến mối họa môi trường vì làm như thế bài sẽ quá dài; và tôi xin mời gọi độc giả tự suy tư về điều này.
Các ý kiến của Bài Tham Luận là nhất quán với đạo lý Phúc Âm: Lên án khát vọng hưởng thụ vô độ, các loại ý thức hệ ích kỷ, các loại ý thức hệ đạo đức giả. Kêu gọi từ bỏ “Cám Dỗ, Bóng Tối, Sự Dữ, Sự Chết” quay trở về với “Sự Thật, Ánh Sáng, Con Đường, Sự Sống”. Không khó để chúng ta tham khảo lại những đề tài này trong Phúc Âm.
Trong các nội dung đã nêu, tôi có cảm nhận đặc biệt với nội dung về đạo đức giả; tôi cho rằng việc lên án các loại ý thức hệ đạo đức giả là nội dung cơ bản mà Bài Tham Luận nêu ra.
Để cho phần nào trực quan hơn, tôi nêu ra một vài kiểu hành vi tiêu biểu của các ý thức hệ đạo đức giả:
– Tỏ ra, nhân danh, và sử dụng đạo đức để phục vụ cho các mục đích phi đạo đức, để phục vụ cho quyền lực của “Ác Thần”, nói một đằng làm một nẻo. Nói tổng quát: Đội lốt bên “Ánh Sáng” để bí mật phục vụ cho bên “Bóng Tối”
– Kêu gọi (rất nhiều khi thực ra là cưỡng chế) mọi người phải sống đạo đức (ví dụ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thượng tôn luật pháp, v.v…), bề ngoài chính họ cũng tỏ ra như vậy nhưng trong “Bóng Tối” thì rất ngược lại.
– Hứa hẹn (thực ra là lừa bịp, cám dỗ) những công ích cực tốt cho mọi người, hoặc có khi cũng giả vờ thực hiện để làm mồi, nhưng thực ra là để phục vụ quyền lực, quyền lợi ích kỷ cá nhân hay phe nhóm của họ một cách không chính đáng.
– v.v…
Tôi đặc biệt mời gọi quý độc giả tìm hiểu thêm, càng nhiều càng tốt, đề tài đạo đức giả, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Dù không nói ra một cách trực tiếp với đầy đủ chi tiết, tôi tin rằng Bài Tham Luận có ngụ ý, hay nói cách khác, Bài Tham Luận đã đánh động trong tôi những suy nghĩ sau đây:
– Lỗi chính yếu nằm ở giới thượng tầng xã hội, tức là giới ảnh hưởng quan trọng, có thể nói là quyết định, đến việc định hình xã hội. Lỗi đó là sự thống trị của các loại ý thức hệ đạo đức giả trong giới thượng tầng xã hội,
– Đạo đức giả, đặc biệt là của giới thượng tầng xã hội, đã khiến cho
- Nhân loại lâm vào đủ các thảm trạng: bất công xã hội, tệ nạn xã hội, thảm họa chiến tranh, thảm họa môi trường, v.v…
- Mối họa môi trường ngày càng tệ hại hơn, gánh nặng đặt trên vai các thế hệ tương lai ngày càng nặng hơn, bất chấp các nỗ lực và lời kêu gọi trong sáng, các định chế, hội nghị, hiệp ước, chính sách, luật pháp về môi trường, v.v… đã có. Vậy thì những gì đã âm thầm xảy ra trong “Bóng Tối”? Phải chăng các định chế, hội nghị, hiệp ước, chính sách, luật pháp, v.v… trong nhiều trường hợp chỉ đóng vai trò lớp sơn bên ngoài của ngôi nhà mồ?
- Một phần quan trọng công sức của nhân loại bị hướng vào việc phục vụ Ác Thần, phục vụ Sự Dữ, phục vụ Thần Chiến Tranh. Chúng ta thử hình dung: Khi đại chiến hạt nhân xảy ra, tất cả các nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu trong nhiều thập kỷ sẽ tan biến trong vài giờ.
Như vậy, chừng nào mà Văn Hóa/Chính Trị đạo đức giả còn thì không chỉ riêng mối họa môi trường, mà kể cả các mối họa khác của nhân loại, vẫn còn phát triển.
Giải pháp mà Bài Tham Luận đề xuất không phải là “pháp trị” (legalism) đơn thuần, tức là chỉ dựa vào các hiệp ước, định chế, chính sách, luật pháp, được dẫn xuất từ khoa học môi trường. Giải pháp đó xem “đạo trị” làm chính yếu, tức lấy đạo đức/luân lý làm nền tảng, và “pháp trị” chỉ là thứ yếu. Giải pháp đó yêu cầu có lương tri trong sáng, lòng thông cảm vị tha chân chính, lòng chân thành trong lời nói và hành động. Giải pháp đó yêu cầu giới thượng tầng xã hội, đặc biệt là giới chính trị, phải thực sự quang minh chính đại, sáng ngời chính nghĩa, nói gì làm đó mà không có mưu đồ bí mật nào khác kèm theo.
Việc “chẩn bệnh và điều trị” như bài phát biểu nêu ra có đúng không? Làm sao để chứng minh thỏa đáng cho tất cả mọi người tin theo? Làm sao để thực liện?
Việc chúng ta đơn thuần tin những điều gì đó là đúng hoặc sai là không đủ; chúng ta phải hiện thực hóa giá trị đúng hoặc sai của chúng.
Nếu chúng ta tin rằng những giải pháp của Bài Tham Luận là sai, chúng ta phải chứng minh bằng cách hiện thực hóa thật đúng những điều ngược lại; nghĩa là nhân loại, hay ít ra là một phần không nhỏ của nhân loại, phải sống với ham muốn vô độ, rất ích kỷ, và rất đạo đức giả. Điều này lịch sử nhân loại đã làm sẵn cho chúng ta, và đã phủ nhận niềm tin như thế của chúng ta.
Nếu chúng ta tin rằng những giải pháp của Bài Tham Luận là đúng, chúng ta cũng phải hiện thực hóa chúng thật đúng để chứng minh. Tuy nhiên, trường hợp này có sự éo le, ngang trái: Lịch sử nhân loại cho thấy có quyền lực bí ẩn đã và đang “chỉ muốn” làm sẵn cho chúng ta điều ngược lại.
Lòng ham muốn vô độ, lòng ích kỷ vô cảm, và đặc biệt là các ý thức hệ đạo đức giả, có thể nói đó là những tay sai đắc lực do “Ác Thần” điều khiển bằng cám dỗ, là những điều mà Ngôi Lời, cách đây hơn hai ngàn năm, đã lên án triệt để nhất. Hình ảnh của Ngôi Lời trên thập giá cũng là lời hiệu triệu nhân loại diệt trừ những tay sai đắc lực cho “Ác Thần” nói trên. Cách đây hai mươi bốn năm, cô bé Sever Cullis Suzuki, đại diện cho Tổ Chức Môi Trường của Trẻ Em, lại một lần nữa lên án những điều đó. Đến hôm nay, các tay sai đó vẫn tồn tại, và do những tiến bộ khoa học kỹ thuật, sức phá hoại của chúng hiện nay đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bất chấp những nỗ lực vô cùng to lớn của nhân loại, các mối họa vẫn phát triển gần như vô hình, mọi nơi, mọi lúc, như mối đục lâu đài gỗ, âm thầm nhưng hứa hẹn hậu quả vô cùng khốc liệt.
Các lời hiệu triệu vừa nói trên mà Ngôi Lời đã thuyết giảng cách đây hơn hai ngàn năm cho đến nay vẫn chưa thực sự được đáp ứng. Câu trả lời cho các vấn đề vừa mới nêu trên vẫn vô nghiệm. Tại sao? Câu trả lời tạm thời của tôi là: Vì Thế Gian vẫn còn đang “chuộng Bóng Tối hơn là Ánh Sáng”, vẫn còn đang chuộng “sa chước cám dỗ”. Cuộc chiến giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, cuộc chiến cho “Nước Cha trị đến”, cho “Ngôi Lời được thể hiện ở dưới Đất cũng như ở trên Trời” vẫn còn đang tiếp diễn trong trạng thái mới.
4./ LỜI KẾT
Tôi trình bày những suy nghĩ của tôi không phải với tính cách là bên “độc quyền chân lý”. Chính tôi cũng đang lo lắng không biết những suy nghĩ của mình là đúng, sai ở chỗ nào. Với những ai quan tâm đến vấn đề, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ trên như là những thắc mắc, có thể được dùng làm những đối tượng để suy tư nếu muốn; theo tôi, điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện, và chờ đợi được Thánh Thần soi sáng, và đó cũng là một đặc quyền không nên từ bỏ của những người không tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”.
PHỤ LỤC 1
Hãy khẩn cấp cứu lấy môi trường cho thế hệ mai sau
Bản dịch Bài Phát Biểu của Severn Cullis Suzuki (theo nguyên văn phụ đề trong video liên quan trên internet)
“Xin chào! Tôi là Severn Suzuki, đại diện cho ECO – tổ chức Trẻ em vì môi trường. Chúng tôi là nhóm trẻ em từ 12 đến 13 tuổi, đang cố gắng tạo nên vài thay đổi, và chúng tôi đã tự quyên tiền đi hơn 8.000 km đến đây để nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi.
Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như mất chiếc ghế trong bầu cử, hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào.
Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng, rồi biến mất mãi mãi. Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn thừa thời gian và các biện pháp hữu hiệu.
Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng, chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng đã thành sa mạc giờ xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.
Các vị ở đây có thể là đại biểu chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, nhà báo hay chính trị gia. Nhưng thực ra các vị là bố mẹ, là anh chị, cô chú… và tất cả các vị đều là những người con. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỷ người. Thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều có phần trách nhiệm, và nên cùng hợp tác hành động hướng về mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi. Cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu có khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo ngay cả khi thừa thãi chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi… Ít nhất là cho đến hai ngày trước đây. Hai ngày trước, ngay tại Brazin này chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này, “Tớ ước mình thật giàu có. Nếu được vậy, tớ sẽ cho tất cả những đứa trẻ đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình yêu thương nữa”. Trong khi một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế? Tôi không thể không nghĩ rằng “những đứa trẻ này chỉ bằng tuổi tôi thôi”. Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế?
Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Favellas, Rio [BBT: nhà ổ chuột tại thành phố Rio de Janeiro, Brazin]. Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Somalia, một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi tới các hiệp ước thì trái đất này sẽ tuyệt vời tới nhường nào.
Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách ứng xử đúng mực. Các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau. Phải cố gắng tìm ra các giải pháp. Tôn trọng mọi người. Sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Không làm hại các sinh vật khác. Phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam… Vậy tại sao các vị lại làm những việc chính các vị dạy chúng tôi không nên làm?
Xin đừng quên lý do các vị dự hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “đây không phải là ngày tận thế đâu”, và “bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể”. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị nữa không?
Bố tôi thường nói, “Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói”. Vâng, nhưng những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói.
Xin cám ơn!”
Thiện Hoàng
Bí tích Công trình Sáng tạo:
Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ Thông điệp Sinh thái của Giáo hoàng Phanxicô?
Clive Hamilton
Đan Quang Tâm dịch
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không giấu diếm niềm tin của ngài rằng sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, cùng với các hình thức khác của sự suy thoái môi trường, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tương lai của nhân loại.
Đôi khi ngài thậm chí còn nói bằng thuật ngữ gần như là khải huyền: “Chúng ta không cho phép các điềm báo của sự hủy diệt và cái chết được đi cùng với sự tiến bộ của thế giới này!”
“Thông điệp sinh thái” sắp tới của ngài – dự kiến ban hành vào khoảng giữa năm nay – đang hình thành như một sự can thiệp có tính quyết định. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng ngài hy vọng thông điệp sẽ giúp thế giới ra khỏi con đường tự hủy diệt.
Ở đây tôi muốn cố gắng tiên đoán sứ điệp và ý nghĩa của thông điệp bằng cách xem xét những gì có vẻ là những ảnh hưởng chủ yếu có ảnh hưởng đến việc soạn thảo – cụ thể là, các phát biểu trước công chúng của Đức Phanxicô, các thông điệp trước đây về môi trường, những phát biểu khoa học của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, gương Thánh Phanxicô Assisi và thần học sinh thái của nhà thần học người Brazil Leonardo Boff.
Thông điệp được tiên đoán với sự phấn khích của các nhà hoạt động chống sự biến đổi khí hậu và với sự sợ hãi của một số người bảo thủ Công giáo. Nhưng ngoài những tác động chính trị ngay lập tức, một ý nghĩa lâu dài hơn có thể nằm trong sự chuyển đổi thần học mà thông điệp có lẽ sẽ trình bày.
Trong một đóng góp quý báu, nhà thần học Donal Dorr người Ailen đã chỉ ra rằng điểm khởi đầu chính thức của Đức Phanxicô gần như chắc chắn sẽ là các thông điệp của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI.
Sau hai thập niên gia tăng mối quan tâm về môi trường trên thế giới, năm 1991 Thông điệp của Đức Gioan Phaolô, Centesimus annus, có thể đã được viết như thể nhằm làm cho Giáo hội có liên quan đến thời đại. Cốt lõi của vấn đề thần học là mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên, và Đức Gioan Phaolô trung thành với truyền thống thần học trong việc trình bày thiên nhiên như tách biệt với con người và nhằm để con người sử dụng, mặc dù thận trọng hơn, là công cụ của con người. Như vậy: “Thông qua lao động, con người, bằng cách sử dụng trí thông minh và thực thi sự tự do của mình, thành công trong việc thống trị trái đất và làm cho trái đất trở thành thành một mái nhà thích hợp”.
Mười tám năm sau, trong Caritas in Veritate Đức Bênêđictô chuyển dịch giáo huấn Giáo hội vững chắc hơn theo hướng bảo vệ môi trường trong khi giảm nhẹ ngôn từ thống trị. Trong một thuật ngữ đầy ý nghĩa, Đức Bênêđictô mô tả các luật chi phối thế giới tự nhiên như một “ngữ pháp... đưa ra các mục đích và tiêu chí để sử dụng thiên nhiên một cách khôn ngoan”. Ngài khẳng định rằng thế giới tự nhiên là “món quà của Thiên Chúa” tặng nhân loại, và bác bỏ sự trôi dạt về hướng “áp đặt sự thống trị kỹ thuật lên thiên nhiên” được thể hiện trong thực tế và vẫn được một số người bảo vệ bằng thần học. Tuy nhiên, trung hòa bất kỳ lời buộc tội “tân ngoại giáo”, Đức Bênêđictô giữ lại một nền thần học mang tính duy nhân luận về con người trong thiên nhiên, tước đoạt thế giới thiên nhiên bất kỳ giá trị nào trong đó.
Donal Dorr bày tỏ hy vọng rằng người kế nhiệm Đức Bênêđictô sẽ khởi đầu một chuyển đổi thần học “đặt con người chúng ta... vào trong bối cảnh rộng lớn hơn của thiên nhiên”. Trong các tuyên bố công khai của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tăng phần đáng kể các đóng góp. Người Công giáo được “kêu gọi chăm sóc công trình sáng tạo không chỉ với tư cách những công dân có trách nhiệm, nhưng còn với tư cách những người đi theo Chúa Kitô”. Và, có lẽ để lộ những động lực bên trong đằng sau thông điệp sắp tới, ngài nói rằng bảo vệ công trình sáng tạo là một sứ vụ mà “Giám mục Roma được kêu gọi hãy thực thi”.
Tách biệt những người bảo thủ tố cáo các người đảng xanh là các dân ngoại mới, Đức Phanxicô khẳng định rằng những người hoạt động bảo vệ công trình sáng tạo là các Kitô hữu bằng ngôn từ mạnh mẽ: “Một Kitô hữu không bảo vệ công trình sáng tạo, không cho phép nó phát triển là một Kitô hữu không quan tâm đến công trình của Thiên Chúa”.
Phải thừa nhận rằng lời kêu gọi để cho công trình sáng tạo “phát triển” hơn là chỉ đơn thuần bảo vệ nó, bao gồm những ý tưởng con người là nhà xây dựng và người biến đổi và do đó vạch ra quan điểm Công giáo của Đức Phanxicô không tương thích với quan điểm của những người xanh đậm, vì xác nhận những gì mà đức giáo hoàng gọi là “một phán quyết tích cực về tính chính đáng của những can thiệp vào thiên nhiên” (mặc dù ngài nhấn mạnh rằng những sự can thiệp này phải luôn luôn là những việc làm đem lại lợi ích, được thực hiện một cách có trách nhiệm).
Sứ điệp về công trình tạo dựng
Xét về phương diện chính trị và thần học, điểm khởi đầu của Đức Phanxicô luôn luôn là liên đới với người nghèo. Nếu chúng ta xem xét các tuyên bố khác nhau của ngài về môi trường, chúng ta thấy ngài luôn liên kết tình trạng suy thoái sinh thái với sự bần cùng của những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, đôi khi đề cập đến việc phá hủy các khu rừng Nam Mỹ như một ví dụ.
Đối với Đức Phanxicô, việc giữ gìn môi trường được nối kết trực tiếp với giáo huấn xã hội Công giáo (GHXHCG), một nối kết làm cho lập trường của ngài ít bị những người bảo thủ chỉ trích. Chắc chắn, khi chứng cứ khoa học gia tăng, các nguyên tắc cơ bản của GHXHCG – liên đới với những người nghèo và dễ bị tổn thương; bảo vệ sự sống và phẩm giá con người – đòi hỏi Giáo hội phải có một lập trường mạnh mẽ hơn về các tác hại biến đổi khí hậu do con người gây ra, sự biến đổi khí hậu này hứa hẹn sẽ đem lại nỗi thống khổ trải rộng và lâu dài trên những nghèo nhất thế giới. Không thể có công bằng kinh tế mà không có công bằng môi trường.
Đức Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Trong thông điệp sinh thái của mình, ngài có thể chỉ rõ những tác động rõ ràng: những người bóc lột thiên nhiên đang hắt hủi món quà quý giá nhất, và bằng cách bóc lột thiên nhiên cho lợi ích bản thân, họ đang lấy đi từ người nghèo món quà của Thiên Chúa. Chối bỏ các thế hệ tương lai những hoa trái món quà của Thiên Chúa chắc chắn là một tội lỗi trong bất kỳ ngôn ngữ nào.
Tôi sẽ đề nghị rằng, về phương diện thần học, Đức Phanxicô dường như đang dẫn đưa Giáo hội đến sự hồi phục đương đại một sự hiểu biết tiền hiện đại về công trình tạo dựng. Ngài nghĩ gì khi ngài nói về công trình tạo dựng? Chúng ta kêu gọi bảo vệ, chính xác, cái gì?
Tất nhiên, một câu trả lời đơn giản có thể được đưa ra về phương diện khoa học. Tuy nhiên, khi Đức Phanxicô nói về công trình tạo dựng như là món quà phổ biến cho nhân loại, “được giao phó cho chúng ta bảo vệ” chứ không phải là tài sản thuộc quyền quản cai của chúng ta, ngài không nói về thế giới trong một ý nghĩa vật chất – nghĩa là, một bộ sưu tập của các hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau và các nguồn tài nguyên, mặc dù đôi khi ngài dường như coi nó là “thiên nhiên”. Công trình sáng tạo là nơi Thiên Chúa tạo ra cho chúng ta cư ngụ và biểu hiện kế hoạch thần linh của Ngài cho chúng ta.
Tuy nhiên, có rất nhiều cách con người có thể cư ngụ trong môi trường của họ, và trong lịch sử Kitô giáo có những tiền lệ để lật ngược ý tưởng tách biệt khỏi thiên nhiên và thống trị trên thiên nhiên. Như Giovanni Monastra cho thấy, ý niệm thống trị vào trong giáo thuyết Kitô giáo không phải từ Cựu Ước, nhưng ở ngưỡng cửa hiện đại trong thời kỳ Phục hưng. Với tư cách các người châu Âu giành được quyền lực chi phối và kiểm soát thiên nhiên, họ tìm kiếm một chỉ thị để thực hiện việc đó trong các bản văn kinh thánh của họ.
Trong Caritas in Veritate, Đức Bênêđictô nhấn mạnh rằng chúng ta không nên nghĩ về thế giới thiên nhiên thuần túy về phương diện “tự nhiên” – nghĩa là chỉ về mặt khoa học – vì thiên nhiên có một “sự cân bằng nội tại”. Ý tưởng này không phải là ý tưởng sinh thái về môi trường cho bằng một sự cân bằng mong manh các lực trong thiên nhiên, nhưng hình dung thiên nhiên như được đầu tư với một mục đích mang tính cứu cánh (a teleological purpose), thiết yếu cho kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại. Và cả hai [ND: khía cạnh khoa học và mục đích cứu cánh] cùng nhau hiện hữu, như chiều kích bên ngoài và chiều kích bên trong. Bằng việc phá rối sự cân bằng sinh thái, chúng ta làm đảo lộn kế hoạch của Thiên Chúa, chúng ta khước từ Ngài mục đích của Ngài tạo dựng nơi sinh sống trong đó con người, những thọ tạo được Ngài tuyển chọn, có thể phát triển.
Có chỗ trong một nền thần học như vậy để giao bất kỳ giá trị nội tại nào cho động vật hoặc phần tử khác của thế giới thiên nhiên không? Về phần mình, Đức Bênêđictô đưa ra ba loại lý do để bảo vệ môi trường, mỗi lý do đều lấy con người làm trung tâm: hủy hoại môi trường gây ra đau khổ cho người nghèo và những người không có quyền lực và làm tổn hại đến triển vọng của các thế hệ tương lai; việc làm tổn hại môi trường cho thấy sự thiếu tôn trọng công trình sáng tạo mà mục đích là để phục vụ các cứu cánh của con người; và, các thái độ bóc lột đối với môi trường thiên nhiên phản ánh và tràn sang các thái độ bóc lột những người khác.
Tuy nhiên, xét theo nhiều phát biểu trước công chúng và sự ngưỡng mộ sâu sắc của ngài đối với Thánh Phanxicô, có thể Đức Giáo hoàng Phanxicô bị lôi cuốn đi xa hơn đáng kể hơn so với Đức Bênêđictô, và đưa vào một bứt phá thần học (theological break) bằng cách đặt cả con người vào trong thiên nhiên lẫn quy gán cho thiên nhiên một chiều kích không thể kiểm soát được, tự trị và thậm chí thiên phú. Hãy xem xét các ý kiến này:
- Đức Phanxicô đón nhận sự nhấn mạnh của Đức Bênêđictô vào “ngữ pháp” được ghi khắc trong thiên nhiên và ý tưởng rằng các can thiệp trong thiên nhiên là chính đáng nếu nhằm để “mang lại lợi ích và được thực hiện một cách có trách nhiệm” ngõ hầu môi trường được sử dụng một cách khôn ngoan vì lợi ích của tất cả. Tuy nhiên, ngài hàm ý con người phải tuân theo ngữ pháp theo nghĩa sống trong các giới hạn sinh thái và tôn trọng các luật tự nhiên. Những lệnh cấm này chắc chắn được củng cố bởi những người xung quanh ngài trong Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.
- Trong một tuyên bố đáng chú ý, Đức Phanxicô nói, “Thiên Chúa đôi khi tha thứ, nhưng khi bị ngược đãi, thiên nhiên không bao giờ tha thứ”. Nếu được chấp nhận, suy nghĩ này sẽ là đòn chí tử giáng vào tất cả các cách hiểu làm chủ theo nghĩa thống trị (all understandings of dominion as domination). Vì đức Phanxicô nói rằng, hoàn toàn không phải là một miền thụ động, trong đó con người khẳng định quyền làm chủ của mình, thiên nhiên có chương trình hành động riêng của nó, thiên nhiên mạnh mẽ hơn và sẽ trừng phạt chúng ta nếu chúng ta đẩy thiên nhiên đi quá xa. Một cái nhìn về thiên nhiên phù hợp với những hiểu biết mới nổi lên của khoa học hệ thống Trái đất và được nắm bắt bởi nhà cổ khí hậu học [ND: cổ khí hậu học (palaeoclimatology) là môn khoa học nghiên cứu về sự biến đổi khí hậu trong suốt chiều dài lịch sử Trái Đất] kiệt xuất Wallace Broecker: “Hồ sơ cổ khí hậu học la lớn với chúng ta rằng, không hề có chút gì tự ổn định, hệ thống khí hậu Trái Đất là một con thú hung hăng phản ứng quá mức ngay cả với những cú huých khuỷu tay nhẹ”.
- Trong sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2014 , Đức Phanxicô kêu gọi tất cả mọi người hãy tôn trọng không chỉ tính hữu ích của mọi sinh vật mà còn “vẻ đẹp” và “cứu cánh tính” của nó – những mô tả chứa chất ý nghĩa thần học và đề xuất một giá trị nội tại nào đó cho sự-sống-không-phải-của-con-người (non-human life) tách ra khỏi các thái độ thực dụng hơn của các vị tiền nhiệm của ngài.
- Trong một sự bứt phá tận gốc khỏi tất cả các nền thần học chủ trương sự bừng tỉnh của thiên nhiên – có nghĩa là, các nền thần học nhìn xem thiên nhiên thuần túy dưới cái nhìn thế tục, với việc đưa Thiên Chúa ra khỏi trái đất đến một lĩnh vực khác – Đức Phanxicô có thể đang tái du nhập một nền thần học về Thiên Chúa ở-trong-thế giới. Ngài than vãn sự mất mát thái độ ngạc nhiên đối với thiên nhiên trong lời của một nhạc công. Ngài than vãn chúng ta không còn “lắng nghe tiếng thọ tạo”, ngụ ý rằng thiên nhiên có một sứ điệp cho chúng ta. Nổi bật hơn, ngài viết: “Nhờ cơ thể chúng ta, Thiên Chúa đã nối kết chúng ta rất chặt chẽ với thế giới xung quanh chúng ta đến nỗi chúng ta có thể cảm thấy sự sa mạc hoá mặt đất như thể một căn bệnh thể chất, và sự tuyệt chủng các giống loài như một sự biến dạng gây đau đớn”.
Điểm cuối cùng này, dĩ nhiên, là bản chất sứ điệp của Thánh Phanxicô thành Assisi. Thật vậy, đằng sau các tuyên bố khác nhau của đức giáo hoàng, ta có thể phát hiện tinh thần của vị thánh mà để tỏ lòng kính trọng vị tân giáo hoàng đã chọn làm tên của mình. Vì vậy, những gì ngài có thể rút ra từ Thánh Phanxicô có thể cung cấp các manh mối cho thông điệp sắp tới không?
Tinh thần của Thánh Phanxicô
Thánh Phanxicô được người ta nhớ đến vì sự đơn giản và lòng nhân ái của cuộc đời ngài hơn là vì các khảo cứu thần học của ngài. Ngài nổi tiếng vì lên tiếng nói về động vật như những anh chị em của mình, phát sinh từ kinh nghiệm tâm linh mãnh liệt về sự hiệp nhất với tất cả các thọ tạo. Trong Bài ca Mặt trời, rất nhiều người biết ngài viết về Anh Mặt Trời và Chị Mặt Trăng, và “chị Mẹ Đất của chúng ta, người nuôi chúng ta và cai quản chúng ta”.
Thật dễ giải thích những đam mê mang tính thân thuộc gia đình này như chuyện thi ca phóng khoáng, nhưng một cái nhìn nhất quán hơn với cuộc sống và lời nói của ngài cho biết Thánh Phanxicô thấy sự hoàn hảo của Thiên Chúa trong mọi tạo vật, trong đá cũng như chim chóc và cây cối. Vì tất cả mọi vật được tạo ra bởi cùng một Cha, Đức Phanxicô lý luận, họ đều là anh chị em trong một ý nghĩa rất thực. Thần học của ngài như vậy là “theo chiều ngang” chứ không phải theo phẩm trật trên dưới; thay vì trật tự thiêng liêng di chuyển từ Thiên Chúa trên cao xuống con người rồi xuống đến các sinh vật còn thấp kém hơn, việc Thiên Chúa đầu tư vào thiên nhiên xua tan niềm tin rằng Ngài xa xôi từ trên cao thống trị muôn loài.
Tuy nhiên, Thánh Phanxicô ở đây có nói một cái gì đó thậm chí còn ấn tượng hơn, một cái gì thoát ra khỏi những khuynh hướng mang nhiều tính thần học Công giáo. Khi viết rằng Mẹ Đất “cai trị chúng ta”, thánh nhân rẽ ra khỏi tất cả các khái niệm về quyền thống trị của con người trên trái đất, bất cứ nơi nào khái niệm có thể rơi vào trong một loạt các khái niệm từ sự làm chủ đầy đủ đến sự quản lý đáng kính trọng nhất. Vì ở đây Thánh Phanxicô bảo ta rằng Mẹ Đất cai quản trên chúng ta, không chỉ đơn thuần vì chúng ta phụ thuộc vào Mẹ Đất nuôi dưỡng, nhưng theo thứ tự của sự vật – trật tự sáng tạo của Thiên Chúa.
Khi hàm ý Thiên Chúa là Cha và Đấng Tạo Hóa trong tất cả mọi thứ, Thánh Phanxicô tán thành một loại bán phiếm thần phôi thai. “Tất cả mọi thứ trong Thiên Chúa, Thiên Chúa trong tất cả mọi thứ”. Thiên Chúa làm nhiều hơn bỏ qua Công trình Sáng tạo của Ngài; Ngài mạc khải chính Ngài trong đó ngay từ đầu và chiếu tỏa từ dó – đó là lý do tại sao người ta có thể trải nghiệm Thiên Chúa trực tiếp và toàn diện trong thiên nhiên, như nhiều Kitô hữu đã chứng thực.
Trách mắng loài người “liên tục đàn áp thiên nhiên”, Đức Giáo hoàng Phanxicô mới đây, thông qua vị thánh mà ngài lấy tên, ta than cái cách chúng ta thống trị “trên Chị Đất, trên Mẹ Đất”. Vì vậy, liệu Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể mang lại một cuộc cách mạng “Phanxicô” cho thần học Công giáo? Nếu có những gợi ý rõ ràng trong những tuyên bố công khai của ngài cho đến nay, thì đó sẽ là một nội dung khác đưa vào trong một thông điệp. Vậy ngài có thể đi bao xa?
Tư duy chính thức của Vatican có xu hướng tránh xa quan điểm vốn được nhiều người Công giáo và Tin Lành bảo thủ theo, cho rằng Thiên Chúa và con người phải được đặt ở trung tâm thế giới thể lý, để cho, nói thẳng ra: “chỉ có Thiên Chúa và con người là cứu cánh tự thân. Thiên Chúa cho ta thiên nhiên để phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ thiên nhiên”. Tuy nhiên, sự dịch chuyển từ cương vị thống trị sang cương vị quản gia và một nghĩa vụ chăm sóc Trái Đất giờ đây được thiết lập vững chắc trong giáo huấn của Giáo hội, và có thể được lý giải, biện minh bằng những cách đọc khác nhau bản văn sách thánh.
Trong khi Đức Phanxicô có vẻ xem thiên nhiên như có giá trị nội tại, có con đường riêng của mình chống lại bất kỳ nỗ lực làm chủ nào bởi con người và được đầu tư với một loại tinh thần linh thiêng nào đó, ngài đã không bao giờ đi xa đến nỗi nói rằng Trái Đất là thiêng liêng. Ngài dường như không làm như vậy vì cả lý do thần học lẫn chính trị. Về mặt chính trị, như thế sẽ kích động những người bảo thủ, có cớ tố cáo (tuy không có cơ sở) ngài là tân ngoại giáo.
Về thần học, có một sự khác biệt tinh tế nhưng quyết định giữa phiếm thần và quan điểm Công giáo về sáng tạo mà Đức Phanxicô gắn bó. Với tư cách là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thế giới thiên nhiên không phải là Thiên Chúa; thế giới thiên nhiên thì khác. Tuy nhiên, Ngài được đầu tư trong đó. Sự siêu việt của Thiên Chúa không xa cách công trình sáng tạo, nhưng quen thuộc và gần gũi với nó. Ngụ ý nó có một telos (cứu cánh), và telos đó là cung cấp “khung cảnh cho cuộc sống của chúng ta” – các điều kiện trong đó con người có thể sống và phát triển.
Hơn nữa, telos đó có nghĩa là Thiên Chúa tôn trọng trật tự công trình sáng tạo, cho phép công trình sáng tạo phát triển và tiến hóa theo “ngữ pháp” và bản tính của nó. Khoảng cách không thể kết nối được giữa một thế giới thiên nhiên thế tục và đời sống con người thiêng liêng hiện nay là một sự sai lầm. Các cây cầu đã được xây dựng.
Vì vậy, nếu Trái Đất không phải là thiêng liêng, ta vẫn có thể nhìn thấy Đức Phanxicô di chuyển hướng đến một lập trường trong đó Trái Đất trở nên bí tích, là chỉ dấu về sự hiện diện của Thiên Chúa và một kênh cho ân sủng của Ngài. Một nền thần học như vậy tìm thấy sự phát triển rõ ràng trong các nhà thần học sau Thánh Phanxicô, đặc biệt tu sĩ Bonaventure dòng Phanxicô (1221-1274).
Đối với Bonaventure, “thế giới được tạo dựng là một loại sách phản ánh, đại diện, và mô tả Đấng làm ra thế giới”. Trong bình luận xuất sắc của mình, Ilia Delio giải thích rằng, đối với Bonaventure, thế giới là biểu hiện bên ngoài của Thiên Chúa để cho “chúng ta biết Lời Chúa qua thế giới... Tất cả công trình sáng tạo... một cách nào đó phản ánh sức mạnh, trí tuệ, và lòng nhân từ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa chiếu tỏa qua công trình sáng tạo...”
Tội khai thác
Trong nhiều dịp, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về sự tương phản giữa cách con người đang tham lam khai thác môi trường và mệnh lệnh buộc chúng ta đối xử với môi trường một cách có trách nhiệm – nghĩa là, trong một phương cách bảo vệ lợi ích của các thế hệ người nghèo và các thế hệ tương lai và tôn trọng sự vẹn toàn của thế giới thiên nhiên như một toàn thể.
Như người ta mong chờ từ một giám mục Mỹ Latin với học thuyết xã hội cấp tiến, phát triển kinh tế là thiết yếu để đưa mọi người thoát khỏi cảnh đói nghèo và do đó Đức Phanxicô nói nhiệm vụ của chúng ta là không chỉ bảo vệ công trình sáng tạo mà còn cải thiện nó. Chúng ta không được đặt trên Trái Đất chỉ để sống với thiên nhiên, nhưng để biến đổi nó. Tại đây ngài đồng hóa với một loại chủ nghĩa môi trường – mang màu xanh nhạt hơn là xanh đậm – và tránh được một số lời chỉ trích mang nhiều tính cách ý thức hệ mà ngài có thể gặp phải từ những người bảo thủ.
Vì vậy, bản chất sứ điệp của ngài, và trung tâm của thông điệp sắp tới, sẽ là chúng ta làm thế nào để chuyển đổi thiên nhiên, cho dù chúng ta khai thác thiên nhiên một cách tham lam hay chăm sóc nó một cách có trách nhiệm. Ngài kêu gọi một mô hình phát triển mới, một mô hình “biết cách tôn trọng công trình sáng tạo” thế chỗ cho cái não trạng tăng trưởng bằng-mọi-giá được sử dụng để biện minh cho sự xuống cấp của thế giới thiên nhiên.
Trong khi những người xanh đậm có thể lúng túng nếu họ được hỏi trách nhiệm bảo vệ Trái Đất của chúng ta đến từ đâu, thì ai chứ Đức Phanxicô tuyệt nhiên không chút ngờ vực. Nếu thế giới thiên nhiên là món quà của Thiên Chúa cho chúng ta, thì “nuôi dưỡng Trái Đất [là] nuôi dưỡng công trình sáng tạo”. Như vậy bảo vệ môi trường trở thành không phải một hành động tự tư tự lợi hoặc là một bổn phận luân lý, nhưng là một lời kêu gọi mang tính thần linh. Làm suy thoái Trái Đất, ngài tuyên bố, là một tội ác: “Đây là tội ác của chúng ta, khai thác Trái Đất và không cho phép Trái Đất cung cấp cho chúng ta những gì có bên trong Trái Đất”.
Thế còn gia tăng dân số?
Nếu thông điệp của Đức Phanxicô kêu gọi nhân loại bước đi nhẹ nhàng hơn trên trái đất, nó sẽ gặp phản đối là lời kêu gọi của ngài sẽ có trọng lượng hơn nếu ngài thừa nhận rằng phương cách gia tăng dân số tạo thêm áp lực trên môi trường.
Các sự kiện đã rõ ràng. Sự gia tăng các phát thải khí nhà kính là do tương tác động kết hợp của tăng trưởng kinh tế trên đầu người và tốc độ tăng trưởng dân số, và được bù trừ bởi những cải thiện hiệu quả năng lượng và chuyển dịch từ các nguồn năng lượng khí thải từ cao đến thấp. Tuy nhiên, sự tiếp tục gia tăng dân số có thể phá hoại mọi nỗ lực giảm lượng khí thải, đưa thế giới đi quá một điểm bùng phát sự ấm lên thảm khốc, với sự tàn phá sinh thái hàng loạt và mất mát mạng sống con người.
Các cố vấn khoa học của đức giáo hoàng hiểu những sự kiện này. Chúng ta biết ngài tiếp nhận các lời khuyên của các chuyên gia một cách nghiêm túc và do đó ngài bị mâu thuẫn về vấn đề bởi vì việc ngài tuân thủ sự cấm đoán lâu nay của Giáo hội về ngừa thai có vẻ vững chắc.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu rằng ngài có thể tin có một cách để thoát khỏi cái bẫy. Tháng 1 năm 2015 ngài đã gây ra một sự khuấy động bằng cách nói rằng người Công giáo La Mã tốt không cần phải “giống như thỏ” và nên thực hành “làm cha mẹ một cách có trách nhiệm”. Dựa vào thẩm quyền của các “chuyên gia dân số”, ngài khuyên các gia đình Công giáo nên hạn chế số lượng con cái ở mức ba con. Vì vậy, các gia đình Công giáo lớn không còn có sự chuẩn thuận của giáo hoàng.
Để thêm sức mạnh cho lập trường này, ngài đã nói về việc ngài khiển trách một người phụ nữ thụ thai “vô trách nhiệm” sau khi cô đã có bảy người con được sinh mổ. Ngài dường như muốn nói rằng nếu một số việc mang thai không thể biện minh được về mặt y khoa, thì các sự mang thai khác cũng không thể biện minh được về mặt môi trường.
Nếu Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm các hình thức ngừa thai nhân tạo, thì ngài đang thúc giục người Công giáo hãy sử dụng những hình thức ngừa thai tự nhiên một cách có hiệu quả hơn. Có lẽ ngài đang ám chỉ rằng những người Công giáo không chấp hành lệnh cấm về ngừa thai nhân tạo (hầu hết trong số họ) bây giờ có thể cảm thấy ít tội lỗi hơn về điều đó. Dẫu sao, bài kiểm tra quan trọng nhất sẽ là liệu Giáo hội giảm bớt những nỗ lực của mình ngăn chặn sự lan truyền kế hoạch hóa gia đình trên toàn thế giới, trong cùng một phương cách Đức Phanxicô đã cố gắng làm mềm đường lối cứng rắn của Giáo hội về các mối quan hệ đồng tính.
Sự cám dỗ địa kĩ thuật
Đức Giáo hoàng Phanxicô được cho là đang giao dịch thư từ với Leonardo Boff, hỏi xem tất cả các bài viết của ông về thần học sinh thái. Cựu linh mục Dòng Phanxicô người Brazil vào năm 1992 đã buộc phải rời khỏi Giáo hội vì hoạt động thần học giải phóng của mình. (Trớ trêu thay, ngài đã buộc phải xuất bởi Hồng y Ratzinger, người đã từng là hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho Boff tại Đức.) Trong các cuốn sách được xuất bản trong những năm 1990 Boff đã bắt đầu định vị thần học giải phóng trong một bối cảnh sinh thái rộng hơn. Ông viết, những người đàn áp người nghèo là những người bóc lột thiên nhiên, và bóc lột thiên nhiên vì cùng một lý do.
Tiêu đề của cuốn sách năm 1997 của ông, Cry of the Earth, Cry of the Poor (Tiếng Kêu của Trái Đất, Tiếng Kêu của Người Nghèo), phản ánh sự kết nối chặt chẽ giữa công bằng xã hội với việc bảo vệ môi trường, một liên kết thường được thực hiện bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và chắc chắn sẽ là một nội dung chính trong thông điệp. Giống như vị tân Giáo hoàng, Boff đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Thánh Phanxicô người mà ông gọi là “nhân vật tinh túy nhất của lịch sử phương Tây”. Boff đã lập luận cho một thần học sinh thái căn bản chủ trương trở lại với một sự tôn kính Trái đất vào thời trước Descartes, một thế giới sống được Chúa Cha tạo ra làm nhà cho vạn vật. Đối với ông, hủy diệt sinh thái là một tội lỗi.
Boff thấy thế giới hiện nay như bị chi phối bởi một “bộ máy khoa học-công nghệ khổng lồ” có chứa một sự ép buộc luôn luôn hướng đến công nghệ trên nguyên tắc “nếu ta có thể làm, thì ta phải làm”. Đó là một trạng thái tâm lý trong đó ta tự xác định mình trong thế chống thiên nhiên và điều đó tất yếu dẫn đến sự khai thác thiên nhiên.
Niềm tin rằng hệ thống theo bản năng đáp ứng các vấn đề với công nghệ nhiều hơn thay vì một sự thay đổi về định hướng đặt ra một vấn đề khác mà Đức Phanxicô có thể cần phải giải quyết trong thông điệp sinh thái của mình: địa kĩ thuật (geoengineering). Đôi khi được gọi là Kế hoạch B – để phân biệt với Kế hoạch A cắt giảm phát thải khí nhà kính – địa kĩ thuật bao gồm một số công nghệ được thiết kế để chống lại sự ấm lên toàn cầu hoặc bù đắp một số ảnh hưởng của nó.
Trong khi một số phương pháp tiếp cận thì tương đối tốt đẹp, chương trình thu hút sự quan tâm nhất liên quan đến việc phun vào thượng tầng khí quyển một lớp phân tử sulphate để giảm lượng bức xạ mặt trời xuống đến Trái Đất. Các lá chắn phân tử sẽ mô phỏng hiệu ứng làm mát toàn cầu của các vụ phun trào núi lửa quy mô lớn. Một số nhà khoa học về khí hậu được cảnh báo bởi những hậu quả về khí hậu đang diễn ra do thế giới không giảm lượng khí thải carbon đến nỗi họ mong đợi loại can thiệp này trên hành tinh, với tất cả những nguy hiểm của nó, gần như không thể tránh khỏi trong vòng vài thập niên tới.
Như tôi đã viết ở nơi khác, đối với một số người, thay vì toàn cầu ấm lên là bằng chứng của sự thất bại của con người, kỹ thuật hóa khí hậu sẽ đem lại chiến thắng do tài khéo của con người. Trong khi biến đổi khí hậu đe dọa sẽ làm mất ổn định của hệ thống khai thác, địa kĩ thuật hứa hẹn sẽ bảo vệ nó. Địa kỹ thuật sẽ không chỉ thiết lập ý tưởng phổ biến về sự thống trị thiên nhiên của con người nhưng mở rộng sự thông trị ấy đến tận căn.
Có thể sẽ không có sự minh họa nào sinh động nào về “bộ máy khoa học-công nghệ khổng lồ” của Boff hướng đến công nghệ để thoát khỏi một câu hỏi xã hội hóc búa hơn là đề nghị con người hãy kiểm soát và điều tiết hệ thống khí hậu trái đất, có lẽ cho đến vĩnh viễn. Kiểm soát khí hậu sẽ là một thể hiện việc con người làm chủ phù hợp với việc đọc một cách kiêu hãnh nhất Sách Sáng thế và lời kêu gọi “làm chủ” trong sách.
Giáo hoàng Đức Phanxicô có lẽ được kỳ vọng sẽ nhìn thấy loại địa kĩ thuật như một sự thoái vị của trách nhiệm chăm sóc công trình sáng tạo của chúng ta – thậm chí như một lời mời thiên nhiên “không tha thứ” sẽ trả thù chúng ta. Thật vậy, ngài có thể xem đó như là việc con người đang tìm cách xảo đoạt Thiên công, qua đó cao ngạo quá mức.
***
Thông điệp sinh thái của Đức Phanxicô sẽ đem lại nhiều khác biệt như thế nào? Daniel DiLeo đã viết một luận văn hữu ích về vấn đề thẩm quyền các thông điệp của giáo hoàng và việc giải thích thông điệp sớm được ban hành. Đây là một lĩnh vực đạo lý mờ mịt, nhưng lưu ý đến việc bác bỏ một cách đam mê khoa học khí hậu bởi một số người bảo thủ trong Giáo hội, DiLeo kết luận: “Người Công giáo sẽ chỉ có thể không đồng ý với ngài trong lương tâm ngay lành sau khi suy nghĩ nghiêm túc và xác quyết rằng đức giáo hoàng đã lý luận không chính xác”. Đó là một rào cản thấp cho những người khước từ khoa học khí hậu, một số người trong đó đã bác bỏ thông điệp rồi.
Nhưng sẽ có ý nghĩa thế nào đối với phần lớn 1,2 tỷ người trên thế giới tự gọi mình là Công giáo La Mã? Mặc dù sự miễn cưỡng phổ biến hiện nay xem những tuyên bố chính thức của vị Đại Diện Chúa Kitô là bất khả ngộ, và mặc dù ngay cả sự chống đối của các giám mục và giáo dân bảo thủ, những lời của vị giáo hoàng vẫn còn mang thẩm quyền đáng kể, và trọng lượng gắn liền với chức vụ có thể được tăng cường bằng những phẩm chất cá nhân của người mang chức vụ đó.
Là một giáo hoàng rất được yêu thích, Đức Phanxicô có ảnh hưởng, không ít nơi các giám mục mà nhiều vị trong số đó đang hy vọng Vatican sẽ có một lập trường mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Trớ trêu thay, trên trở thành Giám mục Roma, Đức Phanxicô quyết tâm tố cáo các nguy hiểm của sự lãnh đạo độc đoán và cải cách văn hóa thâm canh cố đế giáo triều Vatican, nhưng sự khiêm nhường của ngài với tư cách là “giáo hoàng nhân dân” có khả năng làm cho những lời kêu gọi của mình trong thông điệp sinh thái có thẩm quyền nhiều hơn chứ không phải ít hơn.
Trong khi Đức Phanxicô dường như đang hấp thụ được thần học sinh thái của Leonardo Boff, chúng ta có thể chắc chắn rằng thông điệp của ngài sẽ lui lại về mặt thần học khỏi quan điểm cực đoan Phanxicô mà Boff có xu hướng thiên về, quan điểm cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong thế giới dưới hình thức “năng lượng” là Chúa Thánh Thần. Những gì còn lại để nhìn thấy mặc dù là bao nhiêu đức Phanxicô đã được chú ý đến bởi nỗi lo sợ Khải huyền bằng văn bản của Boff: “Chúng ta đang ở trên một chuyến tàu tốc hành đi về hướng sẽ gặp vực thẳm phía trước, và chúng ta không biết làm thế nào để ngăn chặn nó”. Đó là một tầm nhìn được hầu hết các nhà khoa học khí hậu xác nhận, bao gồm Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học: “Nếu các xu hướng hiện nay vần tiếp tục, thế kỷ này sẽ chứng kiến sự thay đổi khí hậu chưa từng có và sự phá hủy hệ sinh thái đó sẽ tác động nghiêm trọng đến tất cả chúng ta”.
Nếu nhân loại và các thiết chế không sẵn sàng làm những gì cần thiết để tránh thảm họa, thì những người thấy mối nguy hiểm đang lờ mờ hiện ra có thể quay sang nơi nào? Boff quay sang Martin Heidegger và lời tiên tri đáng ngạc nhiên của ông này: “Chỉ có một Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta”. Nếu con người hiện đại đã xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi thế giới thiên nhiên và rồi đưa vào thùng rác, liệu Ngài sẽ xuất hiện để cứu chúng ta? Giữa dòng thông điệp của Đức Phanxicô, ngài sẽ yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho sự xuất hiện của vị cứu tinh trong khi đồng thời chúng ta phải sẵn sàng đươn đầu cho sự kết thúc nếu Người từ chối?
Clive Hamilton là giáo sư Luân lý Công tại Trung tâm Triết học Ứng dụng và Luân lý Công, Charles Sturt University, Canberra. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Earthmasters: The Dawn of the Age of Engineering khí hậu. Ông xin tri ân Kinh sĩ Scott Cowdell về những ý kiến tư vấn và các bình luận, cũng như Đức ông Stephen Pickard và Giáo sư Wayne Hudson về các cuộc thảo luận hữu ích với những vị này.
Nguồn: http://www.abc.net.au/religion/articles/2015/03/03/4190521.htm
NGHĨ VỤN VỀ VAI TRÒ CÁC NHÓM XÃ HỘI
TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI HIÊN NAY
Sinh Viên
Đề tài nghiên cứu sinh “Những yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các nhóm xã hội trong vấn đề bảo vệ nguồn nước từ ô nhiễm tại Việt Nam” đến với tôi gần như là sự xếp đặt “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” của Viện Nghiên cứu phát triển[lxxiv].
Có một khoảng thời gian không ngắn tôi khổ sở và gần như oán trách vì chủ đề nghiên cứu không đến hoàn toàn từ sự lựa chọn của mình. Đến nay, khi đã kết thúc chín tháng nghiên cứu thực địa ở Việt Nam, tôi thầm cảm ơn cơ duyên đã cho tôi cơ hội để trăn trở về vai trò của các nhóm xã hội. Qua những phát hiện ban đầu từ thực địa, tôi phần nào hiểu được sự đơn độc của người nông dân trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường từ các công ty gây ô nhiễm và sự bất hợp lý trong vấn đề khoanh vùng ô nhiễm của các cơ quan chức năng. Công ty S. là một trong trường hợp điển hình đó.
Những câu hỏi thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời bắt nguồn từ cụm từ “nhạy cảm” mà tôi thường xuyên nhận được kèm theo nỗi lo lắng xen lẫn tiếng thở dài của những người tham gia trong cuộc nghiên cứu của tôi. Họ thường bắt đầu câu chuyện rằng đây là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến công ty Nhà nước và kết thúc câu chuyện, họ khẳng định rằng sự quy vùng ô nhiễm của Viện Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được Sở Tài nguyên và Môi trường thuê thực hiện quy hoạch) có nhiều điều vô lý nhưng đến nay, hơn 100 hộ nông dân bị thiệt hại trên thực tế nhưng vẫn chưa được bồi thường
Những người ở gần ống xả thì bị ảnh hưởng nhiều, những người ở xa hơn thì bị ảnh hưởng ít nhưng có người ở ngay vùng xả mà vẫn không được bồi thường. Khoa học tính vậy đó. Tụi tui phản ánh thì họ không chịu.
Bà con cũng có lý đúng nhưng khoa học mà phải chịu thôiTôi hỏi các anh chị phóng viên, tường thuật về S., rằng mặc dù chính quyền xã xác minh là người dân không nằm trong vùng bị thiệt theo quy hoạch của Viện Tài nguyên và Môi trường bị thiệt hại trên thực tế, nhưng Viện cứ khăng khăng là mình đúng, theo phần mềm của nước ngoài, một phóng viên trả lời rằng: “Cái này có tính áp đặt một chút. Họ chỉ quy hoạch vùng ô nhiễm chừng đó thôi. Người dân làm mạnh thì họ mới lùi thôi”. Một phóng viên khác gật gù đồng tình: “đúng rồi đó”..
Tôi đặt vấn đề với một cán bộ địa phương:
H: Có một giải pháp nào cho những nông dân vẫn đang tiếp tục trong việc đòi bồi thường gần như vô vọng này không ạ?
TL: Tôi nói họ kiện lên tòa án đi.
H: Có khả quan không ạ?
TL: Không, tiền mất tật mang đó.
Tôi đến gặp một số luật sư có văn phòng đặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Họ cho rằng đây là công ty Nhà nước nên người dân khó mà đối đầu, và người nông dân đã hết đường. Một luật sư thở dài và chia sẻ với tôi rằng: “Nếu nông dân có đến để nhờ sự giúp đỡ, tôi cũng không dám nhận, vì mình có thể làm nhiều việc có ích hơn là bị vạ lây vào những chuyện như vậy”. Tôi thắc mắc với một luật sư khác: Tất cả các công ty đều bình đẳng trước pháp luật, dù là công ty Nhà nước hay nước ngoài. Tại sao một số công ty Nhà nước có vẻ đặc quyền?
TL: Cái này tôi không biết.
H: Luật sư không biết thì nông dân sao biết được ạ?
TL: Ranh giới của sự bình đẳng trên thực tế nó cũng rất mong manh em à. Luật sư cau mày nhăn nhóTôi thấy rằng việc lựa chọn kỹ thuật phỏng vấn sâu đã giúp tôi phát huy tối đa việc phát hiện bản chất của vấn đề và ý nghĩa ẩn chứa bên trong hành động của những người tham gia. Những ngôn ngữ không lời (như thở dài, nhăn mặt, v.v.) mà tôi quan sát được giúp tôi lý giải bối cảnh xã hội của nhóm nói riêng và xã hội nói chung mà người tham gia đó là thành viên. Những buổi sáng cà phê, những buổi tối xem cải lương cùng những người được phỏng vấn giúp tôi có những thông tin thú vị, mà những cuộc phỏng vấn chính thức không có được.
Tôi đã đặt một câu hỏi khác rằng vậy Hội nông dân là đại diện cho người nông dân và một trong những nhiệm vụ của Hội nông dân là sự phản biện, vậy họ đã phát huy vai trò của mình như thế nào? Một cán bộ Hội nông dân địa phương cho biết : “Ông Viện Tài nguyên Môi trường đi xác minh rồi về ông trình với tỉnh. Ông không có phối hợp với Hội nông dân để làm xác định vùng ô nhiễm đâu. Không có kết hợp với Hội nông dân để đánh giá kết quả này. Đâu có lấy ý kiến của dư luận xã hội đâu. Cái việc xác minh không thuộc chuyên môn của Hội nông dân nên không lý giải được. Cơ quan xác định phạm vi mức độ là do bên trên thuê, anh em Hội nông dân không biết được. Bản đồ thực tế bất hợp lý. Ruộng cách nhau có bờ ruộng bên này được đền bên kia không được đền nhưng cơ quan chức năng đã xác định rồi. Mình thấy người dân bức xúc cũng chính đáng nhưng đành chịu”.
Một trong những nhóm xã hội khác được kỳ vọng phát huy hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay là nhóm truyền thông. Điều này được thể hiện cụ thể qua câu chuyện của S.. Sau một thời gian dài chờ đợi không thấy sự trả lời của tỉnh về đơn khiếu nại, người nông dân không được bồi thường, họ quyết định tụ tập trước cổng công ty để yêu cầu gặp giám đốc đòi bồi thường. Bên cạnh đó, theo một số bác nông dân thì hành động này còn có một mục đích khác là thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thông qua báo chí, một trong những động thái tạo sức ép đối với công ty và cơ quan chức năng của tỉnh. Trong quá trình ở tại cộng đồng, tôi quen với một bác nông dân. Trước ngày người dân tập trung trước cổng công ty một ngày. Bác gọi điện thoại cho tôi nói rằng ngày mai các bác ra công ty, con có xuống không. Tôi nghĩ rằng bác nghĩ tôi là sinh viên cần thêm thông tin nên bác thông báo cho tôi, và đây là cơ hội tốt để quan sát nên tôi không thể bỏ qua. Trên đường tôi xuống chỗ công ty thì bác nông dân này liên tục gọi điện thoại cho tôi hỏi tôi đã xuống đến nơi chưa. Khi tôi xuống gặp bác giữa những người đang đứng đối diện với nhà máy, bên kia đường, bác trải tấm bản đồ khoanh vùng ô nhiễm và chỉ vào vị trí vùng đất của bác nằm ngay dòng nước chảy mà không được bồi thường. Những người nông dân khác cũng vây quanh chúng tôi và chỉ cho tôi vị trí mảnh đất của họ cũng không được bồi thường. Trong lúc đó, tôi thấy có bảo vệ công ty, công an xã và một số anh mặc thường phục. Tôi nhận biết công việc của các anh là nhờ bộ đồng phục. Những anh mặc thường phục thì tôi đoán chắc cũng là cán bộ công an. Sau khi trò chuyện với các bác nông dân, tôi rời khỏi đám đông thì một anh công an xã hỏi tôi rằng: “Chị là nhà báo à”? Tôi trả lời: “Không, em là sinh viên làm đề tài và đã ở đây một thời gian ngắn với sự đồng ý của xã. Em tình cờ đi qua đây và thấy các bác nông dân mà em đang quen biết thì đến mà thôi”. Trong lúc đang nói, tôi thấy bác nông dân mà tôi quen và một số người nông dân khác nhìn tôi bằng con mắt dò xét. Buổi chiều, tôi nhận được điện thoại của bác nông dân này hỏi: “Ngày mai báo có viết về sự việc này không? Tôi giải thích với bác nhưng bác không chấp nhận và hỏi tiếp tôi: “Con đã nhận của những người kẻ theo con, lúc buổi sáng con đi ra, bao nhiêu tiền rồi?”. Bây giờ tôi hiểu là bác hiểu lầm tôi là nhà báo và tôi càng hiểu hơn sự kỳ vọng của những người nông dân vào báo chí. Ngay hôm sau, tôi tìm đọc nhiều tờ báo giấy và báo mạng nhưng chỉ có một tờ báo mạng và một tờ báo tháng đăng tin về việc tập trung của người nông dân. Đáng chú ý là cơ quan chủ quản của hai tờ báo này là những tổ chức chính trị - xã hội thuộc Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật, đặt văn phòng tại Hà Nội. Tôi đoán rằng có thể các phóng viên không biết đến thông tin hoặc tin này quá nhỏ không đáng chú ý. Nhưng tôi cũng tự đặt một câu hỏi khác rằng liệu có một sự can thiệp nào đó vào các báo khác – cơ quan chủ quản kiểm soát chặt chẽ hơn – nên báo chí đã ngày càng lặng tiếng dần trong sự đấu tranh vẫn còn tiếp tục của người nông dân? Một cán bộ Hội nông dân nói với tôi rằng: “Nông dân ở đây cô độc vì dư luận không đánh động nhiều. Một công ty lớn gây ô nhiễm cũng trong tỉnh này nhưng ảnh hưởng các tỉnh khác nên đánh động dư luận mạnh mẽ lắm. Bên này thì xử lý mang tính cục bộ”.
Tôi day dứt với đúc kết của một nhà báo trẻ nhiều tâm huyết: “Báo chí chỉ là người đưa thông tin vậy thôi nhưng để giải quyết vấn đề chính quyền địa phương [can thiệp] vẫn là cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm Tôi nhận thấy rằng hành động can thiệp của chính quyền từ trung ương đến địa phương có tác động cản trở rất lớn đến hiệu quả của các nhóm xã hội. Tuy nhiên, những hành động tích cực và bền bỉ của các nhóm xã hội đó đây đang ra sức cục cựa và chuyển mình cũng phần nào tác động trở lại sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các nhóm trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.
LỐI ĐƯỜNG NÀO ?
Đêm lặng yên
Tiếng chổi quét đường xoèn xoẹt.
Ánh đèn đường vàng vọt
Người lao công thầm lặng mảnh đời riêng.
Những sớm chiều hò hẹn với bụi đường
Gom cùng lá vàng khô,
xác chuột mèo dưới nắng thiêu nồng nặc mùi phân hủy
Và rác rưởi tạp nham,
với phân chó phân mèo bết bê, đầu đường cuối dốc
Mỗi nhát chổi sạch phố phường, có xao động nhân tâm?
Những giọt mồ hôi đêm lăn dài, ai kẻ băn khoăn?
Từng cen-ti-met không khí trong lành,
ai thương: lao nhọc nào lặng lẽ
Em muốn cám ơn: các bác, các anh, các chú cô,
cây chổi chiếc ki, âm thầm nhỏ bé
Gìn giữ khoảng trời xanh, nắng ấm, mây hồng,
Cho bao con đường trải rộng nét văn minh
Và bầu khí giảm bớt phần ô nhiễm
Nhưng… lẫn trong hoan vui, có nỗi niềm đau xót
Vì lá trút rơi, vốn hờ hững vô tình ,
Còn xác thú, rác, phân,
những ném quăng ác ý đến lạnh lùng
Bàn tay ai vô tâm,
tống sạch ra lề đường: những gì bẩn dơ gớm ghiếc
Lối đường nào mở ra, để vào được trái tim người chật hẹp?
Để san bằng những mấp mô đời vị kỷ dối gian
Để mùa thu thả lá ngọt ngào hơn
Để vạt nắng trải vàng cây xanh mát
Để người phu quét đường
Đôi mắt biết cười, đôi môi biết hát
Gom sầu phiền nhân thế trả hư không
Để những bàn tay, chia sẻ trách nhiệm chung,
cho cuộc sống tươi hồng, dậy men bác ái…
Con sóng nhỏ
BÀI THƠ CỦA CHÚA
Có một bài thơ tôi đã đọc khi còn là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn nước ngoài của trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cách đây đã gần 40 năm. Nó có cái tựa chỉ một từ ngắn ngủn: Trees, mà khi dịch sang tiếng Việt chắc chắn người ta phải thêm vào một chữ để nghe khỏi cộc lốc: Cây xanh.
Bài thơ ấy đã được viết cách đây hơn 100 năm rồi, chính xác là vào năm 1913. Tác giả của bài thơ là Joyce Kilmer, một nhà thơ người Mỹ, một chiến sĩ đã từng chiến đấu trong thế chiến thứ nhất và hy sinh trước khi cuộc chiến kết thúc không lâu. Ông viết không nhiều, và thơ của ông không được đánh giá quá cao về giá trị nghệ thuật. Ngay cả Trees, bài thơ được biết đến nhiều nhất của ông, cũng bị các nhà phê bình chê là ngô nghê, đơn điệu, và mang quan niệm "văn dĩ tải đạo" quá lộ liễu. Thậm chí, tên nhà thơ còn được đặt cho một cuộc thi thơ ... dở hàng năm tại trường đại hoc Columbia nơi ông đã theo học lúc sinh thời. Cuộc thi có tên là Joyce Kilmer Memorial Bad Poetry Contest (Cuộc thi thơ dở để tưởng niệm Joyce Kilmer), tồn tại đã gần 30 năm, từ năm 1986 đến nay. Và để tưởng niệm nhà thơ đã sáng tạo ra bài thơ ... dở nhất, người ta luôn kết thúc cuộc thi bằng việc đọc bài thơ Trees mà hầu như bất cứ người Mỹ nào cũng biết.
Bài thơ ấy dở như thế nào? Hãy xem những dòng nhận định về bài thơ Trees viết từ năm 1935 của Heywood Broun, nhà báo người Mỹ cùng thời với tác giả bài thơ. Broun viết:
Bài thơ Trees làm cho tôi phát cáu, bởi nó có những câu thơ sáo rỗng nhất đã từng được con người viết ra. Khi Kilmer viết câu "thơ được tạo ra bởi những kẻ ngu dốt như tôi", hẳn nhà thơ chẳng tin chút nào vào điều mình nói. [http://www.nytimes.com/1987/12/05/nyregion/about-new-york-no-not-a-curse-but-a-jersey-prize-for-worst-verse.html]
Câu thơ mà Broun nhắc đến trong nhận định trên thuộc hai câu thơ cuối của bài thơ Trees. Hai câu thơ ấy trong tiếng Anh là "Poems are made by fools like me/But only God can make a tree" ("thơ được tạo ra bởi những kẻ ngu dốt như tôi, nhưng chỉ có Chúa mới tạo ra được một cái cây). Hai câu thơ ấy vọng lại ý tưởng của hai câu đầu, cũng bị chê là không kém phần sáo rỗng, như thế này: "I think I shall never see/A poem as lovely as a tree" (tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được thấy /một bài thơ đẹp như một cái cây). Hai câu thơ này không những sáo, mà còn ngô nghê nữa, vì sự so sánh quá khập khiễng: Làm gì có sự tương đồng nào giữa thơ và cây cối mà tác giả lại so sánh như vậy?
Nếu chỉ có 4 câu thơ ấy thôi thì có lẽ tác giả của bài thơ cũng không đến nỗi bị chọn để đặt tên cho giải thưởng thơ ... dở. Bài thơ còn có những lỗi về nghệ thuật khác, đặc biệt là về cách dùng phép so sánh, ẩn dụ và nhân hóa. Trong bài thơ, những cái cây được tả bằng những hình ảnh đứa trẻ há miệng ngoạm lấy bầu vú căng tròn của bà mẹ đất để hút sữa, tàn cây cả ngày nhìn lên trời với những cành lá như những cánh tay vươn lên trời cao trong giây phút nguyện cầu. Những hình ảnh ấy đã bị các nhà phê bình chỉ ra một cách chế diễu rằng cái cây của Kilmer hẳn phải là một tạo vật kỳ quái khi cùng một lúc vừa có thể cúi mặt xuống ngậm bầu vú của mẹ đất lại vừa có thể ngước nhìn trời giơ tay cầu nguyện.
Quả là khi phân tích như trên thì bài thơ vô lý thật. Vậy mà khi vừa ra đời bài thơ Trees ngắn và đơn giản ấy đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Bài thơ ngắn, chỉ gồm 6 khổ, mỗi khổ là 2 câu vần với nhau theo kiểu liên vận (hai câu liên tiếp có vần với nhau), tổng cộng chỉ có 12 câu. Nhiều nhà phân tích cho rằng bài thơ thành công phần lớn là vì nó gợi lên tình cảm tôn giáo vốn rất phổ biến tại nước Mỹ vào thời đầu thế kỷ 20. Chính những hình ảnh ước lệ, thiếu sáng tạo, thậm chí có thể bị xem là vô lý (đứa bé ngậm bầu sữa mẹ, người tín đồ ngửa mặt lên trời giơ tay cầu nguyện) bị các nhà phê bình chê bai ấy lại làm cho những người bình dân thấy dễ hiểu và dễ rung động. Bài thơ thường xuyên được đưa vào sách giáo khoa cho trẻ em học vì sự đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ của nó, và đã làm rung động con tim của biết bao thế hệ người Mỹ vì, theo lời của Holliday, nó "ngỏ lời bằng những giai điệu chân tình đến những tấm lòng đơn sơ nhất". Và, nói gì thì nói, Trees vẫn cứ là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất ở nước Mỹ và đem lại tên tuổi cho tác giả của nó.
Bài thơ Trees nổi tiếng ấy hầu như chưa bao giờ được nhắc đến tại Việt Nam, kể cả trong chương trình văn học Anh - Mỹ của các sinh viên chuyên ngữ tại các trường đại học. Tôi biết đến bài thơ này cũng chỉ do tình cờ đọc một tuyển tập thơ dành cho trẻ em Mỹ trong những ngày còn rảnh rang khi học năm thứ nhất đại học. Đọc bài thơ thấy thích ngay, nhưng khi đọc những bài phân tích phê bình rất có lý về bài thơ, tôi cũng cảm thấy giá trị (ít ra là giá trị nghệ thuật) của bài thơ có giảm đi đôi chút. Nhưng dù sao thì tôi cũng rất thích hai câu cuối, mà tôi đã từng dịch ra thành "Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi". Dịch xong, cảm thấy sung sướng và hãnh diện lắm, vì vừa giữ được ý nghĩa của câu thơ, lại chuyển sang được thành câu thơ lục bát thuần Việt. Thậm chí còn tự nhủ, khi có dịp sẽ cố gắng dịch cả bài thơ ra để chia sẻ cho mọi người thưởng thức.
Tự nhủ như vậy, rồi quên đi. Đời sống bộn bề, bận rộn quay cuồng khiến tôi chẳng còn thời gian để ngắm nhìn bầu trời xanh hay tha thẩn dưới những tán cây tìm những bông hoa dại xinh xinh như thời còn bé. Tuy vậy, mỗi lần đi đến đâu mà nhìn thấy một cây cổ thụ cao lớn, thân đen nhám xù xì, lá xanh um vươn cao lên đến tận trời thì tôi lại nhớ đến hai câu thơ kia và thấy trong lòng dâng lên một niềm yêu mến và cả sự kính sợ nữa. Mặc dù tôi chẳng rõ tình cảm ấy là do đâu.
Nhưng hôm nay thì tôi đã hiểu rõ rồi. Hiểu tình cảm của tôi, và hiểu vì sao bài thơ lại được yêu thích, mến chuộng đến thế, mặc cho những lỗi nghệ thuật của bài thơ mà các nhà phê bình uyên bác đã chỉ ra. Tôi hiểu ra khi thấy sự phẫn nộ của dân chúng cả nước trước việc chính quyền Hà Nội quyết định chặt bỏ nhiều ngàn cây cổ thụ trên gần 200 tuyến đường ở Hà Nội. Tôi cảm nhận sự đau đớn của mọi người - và cả chính tôi - khi nhìn thấy những hàng cây xanh um thẳng đứng vươn cao giờ bị chặt ngang trơ gốc, thân tóe máu và tóc xanh rơi rụng khắp nơi. Đau như chính người thân của tôi bị chém.
Tôi hiểu ra tình yêu thiên nhiên đã được cài sẵn trong mỗi chúng ta như một bản năng, cũng như mỗi người sinh ra đều yêu mến mẹ cha và những người ruột thịt của mình. Tôi hiểu ra rằng cũng như tôi, tác giả bài thơ Trees thực sự nhìn những cây xanh như những người anh em ruột thịt, và chẳng hề giả dối khi viết hai câu thơ "Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi". Chẳng phải cây cối, cũng như con người, đều do Thiên Chúa tạo dựng đó sao?Nếu bảo vệ người thân là trách nhiệm đương nhiên của từng người, thì sao ta có thể thản nhiên khi thiên nhiên bị phá hủy?
"Một Ki-tô hữu mà không bảo vệ thiên nhiên, không để cho thiên nhiên phát triển, là một Ki-tô hữu không quan tâm đến sự sáng tạo của Thiên Chúa - sự sáng tạo sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại" - Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã dạy như vậy trong một bài giảng vào tháng Hai vừa qua. [http://www.religionnews.com/2015/02/09/pope-francis-christian-not-protect-creation-not-care-work-god/]
Có một điều lâu nay tôi vẫn ngờ ngợ về tác giả của bài thơ, và cần đi tìm lời khẳng định. Giờ thì tôi đã có thể khẳng định được rồi, vì tôi vừa đọc tiểu sử của tác giả: Joyce Kilmer là một người Công giáo.
Tôi cũng vừa tìm ra mối liên hệ trong phép so sánh của hai câu thơ "I think I shall never see/A poem as lovely as a tree" (tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được thấy /một bài thơ đẹp như một cái cây) mà tôi mới vừa dịch thoát ra:như thế này: "Kẻ khờ chỉ biết làm thơ/Câu thơ ngơ ngẩn bao giờ [đẹp] như cây". Câu thơ ấy bị các nhà phê bình chê là so sánh khập khiễng vì giữa hai vật so sánh chẳng có chút liên hệ nào. Rất rõ ràng, mối liên hệ ấy đây:
Mỗi cái cây là một bài thơ của Chúa.
Phương Anh
Trees
Joyce Kilmer 1913
I THINK that I shall never see |
A poem lovely as a tree. |
|
A tree whose hungry mouth is prest |
Against the sweet earth's flowing breast; |
|
A tree that looks at God all day, |
And lifts her leafy arms to pray; |
|
A tree that may in summer wear |
A nest of robins in her hair; |
|
Upon whose bosom snow has lain; |
Who intimately lives with rain. |
|
Poems are made by fools like me,
But only God can make a tree
Cây
Cecilia dịch
Tôi vẫn biết chẳng thể nào tìm thấy
Bài thơ nào đẹp đẽ tựa nàng cây
Rễ cắm sâu đầy háo hức khát khao
Tìm giòng sữa ngọt ngào từ đất mẹ
Ngày lại ngày cây ngắm nhìn Thiên Chúa
Vươn lên cao đôi tay lá nguyện cầu
Mùa hè sang nàng lại khoác trên đầu
Tổ Hồng tước làm duyên trên mái tóc
Đông lại về tuyết phủ đầy trên ngực
Nàng cây hiền thân thiết sống cùng mưa
Thơ tôi đây những con chữ dại khờ
Chỉ có Chúa mới tạo thành cây cối
|
Bài thơ của Chúa
Phương Anh dịch 2015
Trần gian nô nức làm thơ
Câu thơ ngơ ngẩn bao giờ như cây?
Cành cao vươn tận trời mây
Rễ sâu bám chặt bầu đầy sữa thơm.
Tàn xanh ngước mặt ngày đêm
Trông lên Thượng đế linh thiêng nguyện cầu.
Hè sang rộn rã rừng sâu
Lừng vang chim hót, muôn màu lá hoa.
Đông về tuyết phủ bao la
Vẫn quen gió rét mưa sa đợi chờ.
Gã khờ cũng biết làm thơ
Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi.
Niềm Ước "thay màu"
Mỗi khi ai đó quan tâm hỏi nhà tôi ở đâu, đường nào, tôi lại thấy xấu hổ, bẽn lẽn, lí nhí trong miệng: "kênh Nước Đen". Có người vừa nghe xong còn trêu: "À, thì ra là "hot girl Kênh Nước Đen!". Tuy chỉ là biệt danh gọi đùa, nhưng điều ấy cũng mang đến cho tôi bao nhiêu suy nghĩ. Chợt nhớ đến câu: "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế."(1) Vậy mà nhà chức trách địa phương nỡ lòng đặt tên cho con đường hai chiều mới làm trơn láng, chạy dọc theo hai bên con kênh này là đường "Kênh Nước Đen"!
Thế rồi cái tên ấy hiên ngang chễm chệ được đặt ngay ngã tư đường. Tự nhiên tôi thấy thương cho cái xóm nhỏ của mình. Chúng tôi đã phải chịu cái cảnh ô nhiễm đến nghẹt thở đã đành, giờ lại còn bị gán cái tên đường "Kênh Nước Đen" vào sổ hộ khẩu. Có lẽ, trong khu phố tôi, cũng không ít người vẫn luôn đau đáu, xót lòng, rát dạ, nhưng vì thấp cổ bé họng, chẳng thể “rên" được. Tôi thấy ganh tị biết bao với con kênh Nhiêu Lộc hay một con kênh nào đó với cái tên đẹp đẽ, chứ chẳng phải cái tên "vĩnh viễn một màu" như con kênh cạnh nhà tôi.
Còn nhớ thuở nhỏ, trong tiềm thức của một đứa trẻ lên tư, lên năm, tôi đã ghi dấu con kênh này, nó chạy ngang trước nhà – con kênh đen ngòm. Đứa bạn nào ở lớp tôi cũng có thể vô tư hát: "Con kênh xanh xanh…", còn tôi, mỗi khi hát lên giai điệu ấy, lòng lại buồn buồn tủi tủi nhớ tới "con kênh đen đen". Thật, hồi đó chỉ ước chi con kênh này được trong xanh để lũ nhỏ chúng tôi mặc sức bì bõm, hụp lặn những ngày hè oi bức, hay đơn giản hơn là rửa người sau những trận dã chiến mà vũ khí là đất cát – thì ít nhiều cũng nuôi dài thêm chút tuổi thơ. Mà đúng ra chúng tôi phải được quyền hưởng điều đó, được quyền vui chơi dưới bầu không khí trong lành, được quyền hưởng màu xanh nguyên thuỷ của con kênh này theo đúng vẻ đẹp mà Đấng Hoá Công đã tạo nên. Thương thay, thời gian trôi, con kênh chẳng những không xanh thêm, trong thêm, mà còn đen hơn gấp nhiều lần. Đen như không thể đen hơn!
Ấy mà dưới con kênh vẫn có sự sống đấy chứ. Tôi nhận biết điều ấy qua những lần đớp bóng của một sinh vật nào đó mà tôi chẳng rõ vì nước đen quá đỗi. Cũng không chắc được rằng cái đớp bóng ấy là sự trao đổi khí, hay là cái hấp hối cuối đời của nó. Chợt nghĩ, nếu được nói, những chàng cá, nàng cua – những nạn nhân "có hộ khẩu", hoặc đơn thuần là "KT3" (do có người mới phóng sanh đợt rằm vừa rồi), chúng sẽ nói gì? Đa tạ một thành phần nào đó đã tiếp tay nhuộm đen con kênh làm cho chúng ít bị ngăm đe, đánh chén, hay trách một bộ phận chức trách, một cơ quan chức năng, một bộ máy chính quyền đã ăn thông, "đút trước, luồn sau" để những cơ xưởng ung dung xả nước thải, khói thải "nguyên chất" xuống kênh, lên trời? Có bữa, một đứa bé được ba mẹ chở đi học về, ngây thơ la to: "A! Nước đẹp quá, nước bảy sắc cầu vồng!" Đúng thật, chẳng những bảy sắc, mà tám sắc, chín sắc cũng có. Mỗi đoạn một xưởng nhuộm, nhuộm màu gì, thải ra màu đó. Trong tâm thức một đứa bé, nó nhìn cuộc sống dễ thương là thế, mà sao người lớn lại lộng hành vì lợi ích riêng mà xem thường môi trường sống để nhuộm màu cả một con kênh?! Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo có dạy: "Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì việc bảo vệ môi trường không thể được bảo đảm nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào"(2). Song, có bao nhiêu doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc ấy?
Tôi còn nhớ, cũng nơi con kênh này, cách đây ba năm, một vụ tìm xác làm rúng động cả khu vực. Một nam thanh niên đá banh gần đó, khi về trong đêm tối đã rớt xuống kênh nhưng chẳng ai hay biết, bởi hai bên kênh hoàn toàn không có rào chắn, và dòng nước thì đen ngòm. Con kênh ấy đã nhấn chìm sinh mạng của một thanh niên đang còn là sinh viên trên giảng đường đại học. Chỉ đến khi có hai nam thanh niên khác cũng té đúng chỗ khúc kênh ấy, khi mò tìm vớt xe lên, thì phát hiện chiếc xe không phải của mình thì mọi việc mới phơi bày. Thời điểm phát hiện xác nam thanh niên xấu số cách thời điểm mất tích là bốn tháng (3). Nói đến đây, tôi chợt rùng mình nghĩ, không biết trong làn nước đen ngòm đóng kín im ỉm kia, còn có bao nhiêu nạn nhân bị con kênh này "giấu kĩ"? Sự vô trách nhiệm, ích kỷ và lỗi phạm của con người đã làm cho con kênh vốn dĩ phải hiền lành và thân thiện, lại trở thành huyền bí và ghê rợn.
Dưới kênh là thế, còn dọc theo bờ kênh thì sao? Càng tệ hại hơn khi hai bên rạch rác chồng chất lên nhau: chỗ này chục bao vải vụn, chỗ kia nhánh trứng cá mới chặt, bọc cơm thừa. Xa tí nữa là lũ ruồi nhặng tíu tít, vo ve bên xác con vật đã chết cách đó vài ba hôm. Bờ kênh – dĩ nhiên cũng là môi trường sống – cứ hiển nhiên trở thành nơi để họ vứt những thứ thừa thãi, như thể chỗ đó vốn dành cho việc đó. Chiều đến, khói thải từ các nhà máy, xưởng nhuộm hùng hục, hừng hực bay ra. Trận khói này chưa tan, các trận khói khác đã tranh nhau kéo đến! Chúng tranh nhau làm mờ bầu không khí vốn dĩ không trong lành này. Tội sao cái cảnh vợ chồm lên bịt mũi chồng, chồng chạy xe một tay, còn tay kia bịt mũi con. Một hỗn cảnh loè nhoè trong làn khói. Khổ hơn, mỗi khi gió thổi ngược, thổi quẩn, thì ôi thôi, mùi hôi thối bay khắp khu vực.
Tôi thấy buồn. Làn khói ấy phủ mờ đường đi lối rẽ, có lẽ nào cũng phủ mờ cả ý thức của người dân, của "lãnh đạo" sao? Chỉ mong sao có một làn gió, một cơn mưa thần kì nào đó sẽ cuốn phăng đi, làm tan biến đi những đống rác kia, hay có thể thay nước, đổi màu cho con kênh cạnh nhà tôi – và dĩ nhiên còn nhiều con kênh khác nữa trong cả thành phố đông đúc này, trên cả nước Việt này. Tôi trộm ước có một làn gió – không phải từ không trung, nhưng từ lòng người, từ những lương tâm biết yêu thương con người, yêu thương cảnh vật – sẽ cuốn phăng đi sự thất trách, hám lợi, sự vô cảm, vô trách nhiệm trong từng nếp sống, nếp nghĩ. Nếp sống, nếp nghĩ ấy, những thực tại đáng buồn ấy không phải của riêng ai, nhưng của mỗi một con người – kẻ nhiều, người ít, lúc vô tình, lúc trơ cứng – dần dà tạo nên một thứ "văn hoá" đáng xấu hổ. Thiển nghĩ, dân tộc này chỉ có được "làn gió" ấy khi mỗi người phải "quạt" một tay.
Hạt Nắng
------------------------------------------
(1) X. Sáng thế 2,19-20.
(2) X. số 470 Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo
(3) X. http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/65784/tim-thay-37-dot-xuong-nguoi-duoi-kenh-den.html)
THUNG RUỘNG NHỎ
Người ta gọi là Ruộng Nhỏ, nhưng trong ký ức tôi – ký ức của một đứa trẻ lúc lên mười – đó là một cánh đồng xa tít, lồng lộng gió chiều đuổi bắt những vạt nắng chập chờn dát trên sóng lúa. Đã hơn ba mươi năm, lòng tôi vẫn thương những bông hoa dại hiền lành bên bờ mương nhỏ, vẫn nhớ da diết những lúc bì bõm bắt cá đồng, hái rau muống trong vũng nước cạn cuối thung. Mỗi lần nghĩ đến, lòng tôi lại bồi hồi, như nghe tiếng cút gọi bạn xa xa, như thấy đàn cò soải cánh trong màn chiều bảng lảng, cánh đồng yên ả nghỉ ngơi... Dường như mùi ngai ngái của rơm rạ, bùn lầy, tiếng rúc rích, ềnh oàng của côn trùng, ếch nhái,… vẫn còn đâu đó “nằm gọn” trong tâm thức. Bởi tất cả đã thấm vào đời tôi quá đỗi tự nhiên, thắm đượm trong tôi cái nét hoang sơ mộc mạc như cây, như cỏ. Thi thoảng, trong giấc chiêm bao, tất cả lại ùa về gợi niềm thương nhớ đến phát khóc được...
Ruộng Nhỏ là quà tặng kỳ diệu của thiên nhiên giữa vùng đồi núi quê tôi. Phía Bắc Ruộng Nhỏ là dãy Núi Đất thâm thấp, sẫm một màu cây rừng. Phía Nam là dãy đồi trài, đất đỏ phì nhiêu, quanh năm bắp, khoai xanh mướt. Đầu phía Tây tập trung những con suối chảy miết từ trên Núi Chứa Chan đổ về, tưới vào vùng đất thịt trũng, tạo nên thung ruộng tốt tươi này. Còn cuối phía Tây là hai doi đất sà sà như hai cánh tay vươn ra từ hai phía Bắc Nam, ôm lấy Ruộng Nhỏ, khép lại ở con suối róc rách chảy về hướng rừng xa xa... Quê tôi ngày ấy đẹp lắm, trù phú, no đủ, thơm lành như quả chín.
Nhưng rồi cuộc sống bỗng thay đổi. Tất cả bỗng tan biến, chìm sâu dưới làn nước thẳm và trở thành ký ức. Trong số những đứa trẻ đã lặn ngụp và lớn lên trên cánh đồng ấy như tôi, chẳng biết có còn ai nhớ đến cái tên Ruộng Nhỏ. Nhưng có lẽ, với những người nông dân đã từng gắn bó nắng mưa trên thung ruộng này thì "Ruộng Nhỏ" là một nỗi đau dai dẳng, một tiếng kêu oan bất lực còn ứ lại trong cổ họng, để rồi cuộc đời bị đẩy vào cảnh đói cực, lầm than.
Ngày ấy, chị em tôi đã khóc rất nhiều, còn ba mẹ và mấy anh trai thì buồn đến nỗi cơm không nuốt nổi, khi người ta quyết định biến thung Ruộng Nhỏ cùng nương rẫy bốn bề thành cái đập trữ nước. Một con đê dài hơn hai cây số được đắp phủ trên hai doi đất phía đông, bắt ngang từ phía đồi trài qua Núi Đất, nhấn chìm toàn bộ thung ruộng cùng đất đai màu mỡ xung quanh. Nhà cửa, gia sản của gia đình tôi cùng rất nhiều người dân khác coi như mất trắng.
Sở dĩ người ta nghĩ ra cái "phát minh vĩ đại" biến ruộng đồng thành đập chứa nước là do thời ấy giá cà phê rất "sốt". Nhà nhà, người người trồng cà phê, nên nhu cầu tưới tiêu rất lớn. Gia đình tôi cũng chỉ còn bám víu vào mấy sào đất rẫy trồng cà phê. Thế nhưng, chưa kịp bình tâm sau "cú sốc" mất ruộng mất vườn, gia đình tôi và những người nông dân khốn khổ lại bị "bồi" thêm một "cú đấm" làm kiệt quệ, không đứng dậy nổi: Tất cả rẫy đất trong địa phương đều bị xung vào đất công, làm "thí điểm" hợp tác xã. Nghĩa là "làm nháp", được thì làm, không được thì thôi. Chuyện như đùa, nhưng cái đói khổ và bần cùng của người dân lại là... sự thật. Gia đình tôi rơi vào cảnh điêu linh!
Hai năm sau, hợp tác xã tan rã, đất đai của chúng tôi không được trả lại mà lại nhẹ nhàng "chuyển" sang chủ mới trong sự bức xúc, bất bình của người dân. Và rồi, rủ nhau "con kiến đi kiện củ khoai", nhưng cuối cùng cũng chỉ mòn sức lực, hao tiền của. Gia đình tôi và không ít nông dân đã thật sự trở thành "vô sản" chính hiệu!
Nói về chuyện cái đập chứa nước tưới tiêu. Nó đã nhấn chìm bao nhiêu héc-ta ruộng vườn, làm tán gia bại sản bao gia đình, và hệ trọng hơn hết là tàn phái cả một hệ sinh thái tốt tươi, một phong cảnh hữu tình xinh đẹp mà thiên nhiên ban tặng – để rồi mấy năm sau chẳng ai cần đến nó nữa. Bởi cà phê trồng chưa kịp thu hoạch đã rớt giá, rớt thê thảm, thu hoạch không đủ bù tiền dầu chạy máy nổ tưới nước. Nông dân quê tôi tiếc xót nhưng cũng đành phá bỏ cà phê, chuyển qua trồng cây tiêu, cây điều. Nhưng rồi cũng chỉ được vài ba năm đầu, khi nhà nhà rủ nhau trồng rầm rộ, thì tiêu, điều cũng chung số phận với cà phê. Bởi thế nên quê tôi mới có câu nói "chơi chữ" thế này: "Cà phê, tiêu, điều vắng lặng". Nhìn hồ nước lênh láng vô hồn, dân làng tôi quệt nước mắt nhớ thương Ruộng Nhỏ...
Quả là khó hiểu cái kiểu lãnh đạo "hứng đâu làm đó", không cần đo lường hậu quả, hay không có năng lực để đo lường, "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"! Một nước nông nghiệp mà không thể điều phối cơ cấu cây trồng hợp lý, không thể bình ổn giá và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cứ mặc sức (hay thông đồng?) các thương lái và "đầu nậu", thi nhau o ép. Nông dân cứ loay hoay nay trồng, mai đốn, mùa trước được giá, mùa sau mang đổ. Thuốc trừ sâu và phân bón hoá học chẳng ai quản lý, kiểm tra. Càng bón, càng xịt, đất đai càng cằn cỗi, bạc màu, cây cối nhiễm độc không sống nổi. Nông dân cũng chẳng còn tha thiết với ruộng vườn, bởi làm đâu thua đó. Tình trạng này không phải chỉ tồn tại ba mươi năm trước, mà cho mãi đến giờ vẫn vậy. Người nông dân cứ phải gánh chịu thiệt thòi, thất bát. Trách nhiệm thuộc về ai? Kỹ sư, tiến sĩ nơi đâu? Làm được gì? Ai thương thiên nhiên tàn úa? Ai xót nông dân đói khổ?
Suốt đời, có lẽ tôi sẽ còn ám ảnh cái đói của những năm ấy – thập niên 1980. Sắn, khoai cũng không có để mót. Đọt lá vông, đọt dền gai cũng bị bọn trẻ chúng tôi tranh nhau hái về làm rau. Tận kế sinh nhai, dân làng đổ vào rừng: cây lớn xẻ ván, cưa gỗ, cây nhỏ đốn củi, đốt than. Dân tiến đến đâu, rừng bị đẩy lùi đến đó, tan hoang, trơ trụi. Nhưng có lẽ sự đốn chặt và vận chuyển thô sơ của người dân cũng chẳng thấm vào đâu so với sự khai thác rầm rộ, quy mô của những đội kiểm lâm "khai thác có chỉ thị và có quy hoạch" với cưa máy, xe cần cẩu chạy rầm rập đêm ngày mà chúng tôi vẫn gặp trong rừng. Để rồi trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai nhiều rừng núi, lắm dã thú, chim muông như thế cũng bị khai thác đến cạn kiệt. Có một thời, người dân hoảng sợ, hoang mang vì đêm đêm, đàn voi trong rừng không còn nơi trú ẩn, kéo ra phá rẫy, quật đổ nhà cửa và chà giết người dân. Sau khi quá nhiều người bị voi giày chết, các nhà chức trách mới bắn thuốc mê rồi đưa đàn voi ấy vào những khu rừng bảo tồn. (Hay đưa đi đâu? Ai mà biết được!).
Con người được Đấng Tạo Hoá trao cho trí khôn để canh tác, gìn giữ và phát triển trái đất (xem St 1 và 2) – ngôi nhà chung của nhân loại. Thế nhưng con người đã khai thác thiên nhiên đến khánh kiệt để thoả mãn tham vọng và mục đích của mình, không cần biết đến tương lai các thế hệ sau, và cứ như thể thiên nhiên không có mục đích và vai trò riêng của nó trong vũ trụ. Đến một lúc (mà đã đến rồi), thiên nhiên sẽ thịnh nộ chống lại con người vì những hậu quả con người gây ra (xem mục II, chương 10, sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo). Nhân loại đang đứng trước những thảm hoạ và thách đố lớn về các vấn đề môi trường: trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển tăng, tài nguyên, năng lượng cạn kiệt... Không chỉ có thế, mà hình như, khi thiếu đi cái trong lành, hiền hoà của thiên nhiên tưới gội vào lòng, con người càng khó có được những rung động yêu thương trong sáng, và càng trở nên vô cảm, tàn ác với nhau hơn.
Có một điều dễ nhận ra: với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, và bất cứ ai quan tâm, đều có thể nhận ra các vấn nạn về môi trường và biết nguyên nhân của các vấn nạn ấy. Rất nhiều hội thảo lớn nhỏ đã được tổ chức trên nhiều quy mô và nhiều cấp độ, nhưng rồi, khói, nước, và rác thải vẫn xả vào môi trường sống, rừng vẫn bị tàn phá, tài nguyên vẫn bị khai thác một cách tàn bạo và vô trách nhiệm. Phải chăng, phía sau chính trường đã có sự khuynh đảo quyền lực của các thế lực kinh tế và các "thế lực đen"? Môi trường không còn là một vấn đề đơn lẻ mà đan xen chặt chẽ với chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục... Những nước càng nghèo, càng lạc hậu, bị những thể chế độc tài cai trị, thì vấn nạn môi trường càng trầm trọng.
Đất nước tôi đang ở đâu? Tôi làm được gì cho bầu trời quê hương này? Một bầu trời xám xịt, mịt mù khói bụi. Một đất nước đi đâu cũng gặp rác, những nơi càng sầm uất, hiện đại thì rác càng nhiều. Người ta cứ làm bẩn môi trường sống của mình một cách thản nhiên, chẳng chút ray rứt, suy nghĩ. Những kẻ hữu trách thì bận lo những "chuyện lớn", rác bụi chỉ là "chuyện nhỏ".
Tôi làm được gì? Cùng lắm sử dụng lại vài cái túi ni-lon, tiết kiệm chút nước, chút điện, hoặc rỉ tai chị bán hàng ăn đầu xóm thôi đừng đốt than đá nữa, rất có hại cho sức khoẻ và hại môi trường, hoặc giả treo thêm vài chậu dây leo trước cửa... Có lẽ những thứ tôi làm được chẳng thấm vào đâu. Nhưng tôi sẽ quyết chí làm với hy vọng nhỏ nhoi: biết đâu, những việc bé nhỏ ấy sẽ đâm chồi nảy lộc trong lương tâm con cái tôi, hay trong lương tâm ngay lành của một người nào đó, giống như bông hoa dại, vạt nắng chiều năm xưa trên thung Ruộng Nhỏ, cứ ngỡ chẳng là gì, nhưng vẫn trĩu nặng mãi trong tôi...!
Mẩu Bút Chì
NHÂN SỰ KIỆN CHẶT CÂY XANH Ở HÀ NỘI
Hà Nội lên kế hoạch chặt 6700 cây xanh trên 190 tuyến đường làm xôn xao dư luận, gây nên phản ứng trái chiều kể từ sau Bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Tp Hà Nội của Nhà báo Trần Đăng Tuấn. Bất chấp phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân, Hà Nội vẫn chặt cây, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, 2000 cây xanh trong lòng Hà Nội bị triệt hạ, dân Thủ đô xuống đường biểu tình ... Cuối cùng, ngày 20.3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, đã yêu cầu các cơ quan hữu quan tạm ngừng việc chặt cây.
Hà Nội từ lâu nổi tiếng là thành phố xanh - sạch - đẹp. Nơi tập trung nhiều cây xanh cổ thụ với mật độ cao. Nhìn ngắm từ các tòa nhà cao tầng, ai cũng có thể dễ dàng chiêm ngưỡng được màu xanh tươi mát phủ khắp mọi nơi trong thành phố. Hầu hết cây xanh trồng ở đây đều khoảng vài chục năm tuổi, cao lớn hàng chục mét. Nhiều con đường ở Hà Nội ngập bóng mát và rất thơ mộng vì cây xanh.
Những con đường đó sẽ trở nên nóng nực, ngộp thở khi cây xanh bị triệt hạ. Sự kiện chặt 2000/6700 cây xanh không chỉ dân Hà Nội bức xúc mà nhân dân khắp cả nước và quốc tế lên tiếng, AFP ghi nhận, một lời kêu gọi bảo vệ cây xanh ở Hà Nội trên Facebook đã thu hút gần 40.000 lượt quan tâm chỉ sau vài ngày thành lập. Theo Reuters "nhiều ý kiến không đồng tình với việc chặt cây vì lo ngại những tác động đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới"
Đã có nhiều bài viết cảnh báo sự tác hại đến môi trường Hà Nội khi cây xanh bị ‘thay thế’ ; nhiều bài báo khác vạch trần ‘kế hoạch sai lầm việc chặt cây xanh với nhiều lý do không mấy thuyết phục” ; không ít bài viết bày tỏ sự phẫn nộ bằng những tiếng thở than, “Bài Văn Tế Cây’ dưới đây nói lên tâm trạng đó.
Khi số báo về Môi trường này phát hành thì sự kiện chặt 2000/6700 cây xanh sẽ được chính quyền sở tại, theo thời gian, cho ‘đi vào dĩ vãng!’
Dù sao, sự kiện ‘đặc biệt và hy hữu’ này đã làm nổi bật giá trị việc Bảo vệ Môi trường thiên nhiên. Khi dân chúng biểu tình bảo vệ 6700 cây xanh là lúc họ thấy rằng vắng bóng cây xanh là vắng bóng một cái gì đó quan trọng cần thiết cho con người. Chính quyền Hà Nội ngưng hạ cây có lẽ vì áp lực của dân chúng? Của thượng cấp? Nhưng cũng là dịp tốt để các nhà lãnh đạo ý thức nhiều hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Cũng nhân sự kiện này chúng tôi muốn nêu lên ở đây quan điểm của GHXHCG:
Cây xanh ở Hà Nội hay ở bất cứ nơi đâu, là yếu tố giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên rất cần cho cuộc sống. Đốn hạ cây xanh do ác ý và thiếu suy xét làm tăng nhanh tiến trình sa mạc hoá, để lại những hậu quả rất nguy hiểm cho việc dự trữ nước và làm phương hại đến đời sống của nhiều người dân. Môi trường cây xanh của Hà Nội là tài sản của tập thể, Bảo vệ môi trường thiên nhiên này “là một vấn đề thuộc bổn phận chung và phổ quát, vấn đề tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người, bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (x. số 466, Tóm lược HTXHCG)
Khi được yêu cầu đưa ra những quyết định có liên quan tới sức khoẻ và những rủi ro của môi trường … Lúc đó, có lẽ điều thích hợp là đưa ra những sự đánh giá dựa trên “nguyên tắc dự phòng”, tức là không áp dụng các luật lệ mà chỉ đưa ra những đường hướng nhằm giải quyết tình huống không chắc chắn ấy. Có nghĩa là chính quyền cần phải đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những sự kiện mới mẻ mà cuối cùng mới biết được. Những quyết định ấy phải cân xứng với những khoản luật đã được đưa ra cho những rủi ro khác. Những chính sách thận trọng, dựa trên nguyên tắc dự phòng, đòi chính quyền phải quyết định căn cứ trên việc so sánh các rủi ro và lợi ích được tiên đoán cho những giải pháp khác nhau có thể có, kể cả quyết định không can thiệp. Biện pháp dự phòng sẽ tránh bớt rủi ro, cho thấy tiến trình quyết định cần phải hết sức minh bạch. (x. số 469, Tóm lược HTXHCG)
BBT Tập san Phổ biến GHXHCG
BÀI VĂN TẾ CÂY
Hỡi ôi!
Nhật Nguyệt xoay vần, bốn mùa thay lá, tưởng gốc bền thì tán mãi còn xanh.
Có ngờ đâu 1 hồi trống lệnh nhanh, vừa dứt tiếng đứt rồi thân cổ thụ!
Cứ ngỡ Thủ Đô vẫn là chưa đủ diện tích cây xanh trên một đầu người
Vẫn tưởng rằng Xuân nhuận sắc tươi, Tết trồng cây Xuân mãi còn viên mãn
Ấy mà nay biết lấy ai bầu bạn, đàn chim kia nháo nhác biết về đâu?
Tiếng rao rơi lạc phố đêm thâu, cơn gió nào lang thang tìm lá biếc?
Sáng nay đây:
Nhìn cây đổ cho lòng thương tiếc, lõi thân này còn rỉ máu nhựa tươi
Rễ bật lên mà nhớ khôn nguôi, tán cây kia những ngày che nắng lửa.
Mùa Thu nào không thoảng mùi hoa sữa, vị hương nào “ngọt ngào phố đêm đêm”?
Mùa Hạ nào nấn ná muốn dài thêm, ngày tan trường “cánh phượng hồng” ép vở.
Con đường Xuân những chùm hoa sưa nở, trắng tinh khôi như áo trắng Hà Thành.
Góc phố nào nghiêng nghiêng mái rêu xanh, lá bàng đỏ ấm cả mùa Đông phố?
Thử hỏi:
Mấy chục năm trải bao mùa bão tố, cắt tỉa cành vẫn là việc thường niên
Chặt những cây thân ngả cành nghiêng, sao đốn cả những thân thẳng khỏe.
Nạn xả ra là điều không ai muốn, trách nhiệm này đâu phải lỗi của cây
Nay cắt cành mai cưa gốc đó đây, phải hỏi đến bổng lương kia ai nhận?
Đừng tưởng cây vô tri an phận, cây là cây mà cây cũng là người
Đừng tưởng xung quanh chỉ vỗ tay cười, cười là cười đôi khi cười là khóc!
Nhìn phố quen hàng cây bật gốc, dáng cây nào lùi mãi kỷ niệm xưa
Rồi Hè sang nắng lửa ban trưa, bóng mát nào che dòng đời tất bật?
Thường nghe:
Thuốc có đắng chính là giã tật, lời thẳng nhiều khi lại thấy khó nghe
Kẻ đớn hèn ấy là kẻ xun xoe, giọng lưỡi ngọt phải xem là có độc?
Làm việc lớn chớ nên “dục tốc”, xét thêm rằng “bất đạt” để trọn câu
Việc chung đưa tập thể lên đầu; việc đại sự hãy lấy dân làm gốc!
Nên chăng:
Những phố cũ cây vẫn xanh mầm lộc, cứ duy tu và trồng cấy đan xen
Thử nghiệm cây cho thổ nhưỡng thân quen, giống tốt giữ lấy mà phát triển.
Những phố đặc thù cấm làm tùy tiện, giống cây nào chọn để đặc trưng?
Đừng ép về những giống chỉ quen rừng, chớ ép tiểu thư với chàng trai miền núi.
Trai miền núi về xuôi trai tủi, tiếng khèn đêm đêm da diết nhớ thương
Tiểu thư lên non lại nhớ phố phường, nhịp guốc vọng mãi mãi vào ký ức.
Đồng lòng dân ấy là thêm sức, thêm cả vào đánh giá chuyên môn
Vạch rõ ra đâu là phố bảo tồn, đâu cải tạo và đâu là trồng mới
Khu ven đô hãy đang còn tươi mới, chính là nơi xứng đáng thử nghiệm cây
Những tuyến xuyên tâm tỏa khắp đó đây, sao chẳng thử mà chặt đi phố cũ?!
Than ôi!
Dăm chữ mọn biết làm sao cho đủ, kẻ học sinh mạn phép dãi đôi lời
Vài tiếng kêu lạc giọng mất hơi, phận dân đen dám mong đèn soi xét!
Mong Thăng Long mãi còn nguyên nét, dáng rồng bay trên một dải đất lành.
Cho Thủ Đô giữ vẹn sạch đẹp xanh, thế phát triển luôn đi cùng bền vững!
Để ngày mai bên nhà cao sừng sững, có cây xanh cho mềm lại bê tông.
Mạng lưới đường thành nang phổi mênh mông, giảm tiếng ồn và bớt đi khói bụi.
Nhìn cây đổ mà lòng thêm tủi, tiễn cây mà tưởng tiễn bạn vong niên
Dám mong người trách kỷ trước tiên, hậu trách nhân và quyết làm cho tốt!
Vài lời thảng thốt!
Biết tỏ cùng ai?
Đêm lạnh phố dài
Hồn cây về chứng!
Hoà Nguyễn chấp bút
Anh Chí chấp bái
GIÁO HỘI GIÚP DÂN NGHÈO THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Chị Võ Thị Thùy đang thu hoạch rau trong khu vườn nhà mà trước đây chị không biết cách canh tác.
Trước đây chị Võ Thị Thùy, 34 tuổi, sống rất chật vật bởi nguồn thu nhập chính của gia đình từ 5.000 mét vuông ruộng mà chị nhận khoán của hợp tác xã. Mỗi năm hai vụ mùa, chị thu được chừng ba tấn lúa nhưng phải bán hai tấn lúa (trị giá khoảng 14 triệu đồng) trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu và tiền vay 3 triệu đồng với tiền lãi 120.000 đồng một tháng để chu cấp cho ba đứa con học hành.
Hết mùa vụ chị cũng không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập.
Nhưng từ một năm nay chị đã có thu nhập ổn định và cải thiện được cuộc sống của gia đình nhờ biết cách trồng rau xanh và nuôi heo trên khu đất vườn rộng 700 mét vuông quanh nhà. Trước đây chị bỏ hoang vì đất luôn bị ngập úng hoặc nhiễm mặn.
“Bây giờ mỗi ngày tôi kiếm được 50.000 đồng từ tiền bán rau, đủ để trang trải nhu cầu ăn uống hàng ngày cho cả nhà. Và mỗi năm còn để dành được 10 đến 15 triệu đồng nhờ nuôi heo – chị Thùy nói với vẻ mặt phấn chấn – “Tôi cũng đã trả xong nợ vay của những người cho vay nóng”.
“Tôi biết ơn các anh chị tình nguyện viên Công Giáo đã chỉ dạy cho tôi cách làm ăn”, chị nói.
Chị Thùy là môt trong 28 học viên tham dự khóa tập huấn về kỹ thuật trồng rau xanh, hoa và chăn nuôi cá và heo trên những khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do trung tâm Phát triển Năng lực Cộng đồng hợp tác với Ban Biến đổi khí hậu Công giáo Huế, tổ chức hồi đầu năm 2014.
Nhóm tình nguyện viên gồm các nữ tu và giáo dân đã đi thăm các gia đình tại các xã Quảng Thọ, Hương Phong và Quảng Thành thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, là những nơi có đất bạc màu, ngập úng, nhiễm mặn do biến đổi khí hậu gây ra. Nhóm đã khảo sát đất đai, hoàn cảnh người dân để hỗ trợ vốn, mỗi nhà 3 triệu đồng để giúp họ nâng cao nền đất vườn hoặc mua cây giống và vật nuôi.
Học viên học cách dùng rác thải và lá cây khô ủ với phân chuồng để làm phân bón, biết chọn những cây giống thích hợp với đất như các loại rau má, rau mồng tơi, xà lách, cải, rau ngò, rau quế.
Môt học viên khác là ông Giuse Nguyễn Luận, 49 tuổi, cho biết dịp tết vừa qua ông đã kiếm lời gần 20 triệu đồng nhờ trồng hoa cúc vàng, lay ơn đỏ, đồng tiền, cây sung cảnh và quất cảnh.
Ông Luận trước đây làm nghề chạy xe ôm vì khu vườn nhà ông rộng hơn 3.000 mét vuông, thuộc loại đất bạc màu, toàn cát trắng chỉ trồng được cây thuốc lá.
Nhờ kiến thức học được từ lớp tập huấn, hiện ông đang trồng đậu xanh, đậu phộng và nuôi 50 con gà để bán.
Cha của bốn người con nói lớp tập huấn đã mang lại nhiều lợi ích cho ông, nhất là kiếm được tiền ở ngay chính sân nhà, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.
“Bây giờ tôi cảm thấy an nhàn hơn trước và không cực nhọc rời địa phương mỗi ngày chạy xe thồ hơn 100 cây số để kiếm miếng ăn”, ông nói.
Ban Biến đổi khí hậu Công giáo Huế với 25 thành viên gồm nữ tu và giáo dân còn tập huấn cho người dân biết cách phòng chống các bệnh do biến đổi khí hậu gây ra, cách sơ tán người dân khi có lũ lụt, dạy bơi và những kỹ năng khác để người dân biết thích ứng.
Peter Nguyen
[1] Xc http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20150311/29468
[2] Xc http://vnexpress.net/photo/thoi-su/hang-loat-cay-xanh-o-ha-noi-bi-don-ha-3159760.html
[3] Xc http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/lap-song-dong-nai-lam-du-an-542081.html
[5] Xc Mt 9:2; Ga 5:14; Lc 13:10-13.
[8] Loi naturelle (Anh: Natural law), hay loi de la nature.
[9] Từ hai danh từ này, mà có các tính từ: mondial, mondaine, worldly, mundane.
[10] Ecologie, ghép bởi hai danh từ gốc Hy-lạp: oikos (cái nhà, cũng tựa như oikonomia) và logos (lý luận). Danh từ ecologia xuất hiện lần đầu tiên năm 1866 trong tác phẩm Morphologie générale des organismes của Ernst Haeckel (1834-1919), được hiểu như là “môn học về tương quan giữa thế giới bên ngoài và các sinh vật”. Nhưng vào hậu bán thế kỷ XX, danh từ này được hiểu về việc bảo vệ thiên nhiên như môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế.
[11] L. White, The Roots of Our Ecological Crisis, “Science” 155 (1967), pp. 1203 -1207).
[12] TLHT số 334; 360 và lặp lại trong chương này ở số 462.
[13] Chẳng hạn như: ý nghĩa của lao động (số 270 tt), tài nguyên của địa cầu dành cho hết mọi người (số số 182 tt; 328), ý nghĩa của sự phát triển (số 373 tt).
[14] Con người cần đối xử với thiên nhiên trong tư cách là “hình ảnh Thiên Chúa”, nghĩa là bằng trí tuệ. Đàng khác, con người có nhiệm vụ “giữ gìn” cái vườn (St 2,15) chứ không phải là tàn phá nó.
[15] Sách TLHT bản tiếng Việt dịch là “chủ nghĩa độc tôn sinh thái” và “chủ nghĩa độc tôn sinh học” (số 463), còn bản tiếng Hán dịch là “sinh thái trung tâm chủ nghĩa” (生態中心主義)và “sinh vật trung tâm chủ nghĩa” (生物中心主義).
[16] Được đặt tên là catastrophisme.
[17] Xc http://en.wikipedia.org/wiki/Natural_environment.
[18] Xc http://www.fao.org/docrep/w5973e/w5973e07.htm.
[19] Xc http://en.wikipedia.org/wiki/Greenhouse_effect.
[22][22] Chủ trương đề cao tinh thần và khinh miệt vật chất. xc Gerald O’Collins, S.J., “A Concise Dictionary of Theology”, Quezon City: Claretian Publications, 2001.
[23] Chủ trương vũ trụ có 2 nguồn gốc, một thiện và một ác. xc Gerald O’Collins, S.J., “A Concise Dictionary of Theology”, Quezon City: Claretian Publications, 2001.
[27] Xc St 1:3.7.9.11.15.
[33] Xc 2 Sb 3:1; St 22:2.
[37] Xc Lc 24:45-48; Cv 1:9-12.
[38] Xc Xh 14:19-30; 15:22.
[40] Xc Ga 3:5; Mc 14:22-25; Gc 5:14.
[48] Đây là lý do vì sao Thiên Chúa luôn từ chối tiết lộ Thánh Danh của Người, Thay vào đó, con người chỉ được biết các biệt danh của Thiên Chúa. Thí dụ St 32:30; Xh 3:14.
[58] Xc Đnl 32:4; G 37:23; Tv 119.
[63] Theo nghĩa cụm từ Anh Ngữ“all-out-war”.
[64] Theo nghĩa từ Anh Ngữ “universal”: áp dụng cho mọi người, mọi hòan cảnh, mọi thời gian và không gian.
[65][65] Xc Nguyễn Văn Nhứt, O.P., Reconciliation in Christ—Theological Background for Inter-faith Dialogue. Manila: University of Santo Tomas, 2011.
[67] Xc Vui Mừng Và Hy Vọng, các số 4, 5, 6, 36 và 59.
[68] Xc Vui Mừng Và Hy Vọng, số 57.
[70] Giáo Huấn Xã Hội, số 459.
[lxxi] Trong suốt bài này, cụm từ “Bài Tham Luận” (viết hoa) chỉ về bài tham luận đã nói.
[lxxii] Công Lý/Công Bằng liên thế hệ: Công Lý/Công bằng được xem xét theo thời gian qua nhiều thế hệ.
[lxxiii] Giới thượng tầng xã hội: Ở đây chúng tôi muốn nói đến giới có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các thiết chế và người điều hành các chính sách của xã hội; ví dụ: chính trị gia, doanh nhân, chính phủ, quốc hội, tòa án, truyền thông, ngành giáo dục, v.v…; trong đó các chính trị gia là chủ yếu.
[lxxiv] Center for development research (ZEF), The University of Bonn, Germany